Tạo điểm nhấn “hút” khách tham quan

Vi Vân 08:30, 23/11/2024

Trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có 81 hợp tác xã nông nghiệp. Những năm gần đây, các hợp tác xã không chỉ tập trung nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, mà còn nỗ lực tạo những điểm nhấn riêng có nhằm thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.

Câu lạc bộ hát Then Bản Cọ được HTX Nông sản Phú Lương (ở xã Ôn Lương) thành lập, thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách.
Câu lạc bộ hát Then Bản Cọ được HTX Nông sản Phú Lương (ở xã Ôn Lương) thành lập, thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách.

Đến thăm Hợp tác xã (HTX) Nông sản Phú Lương, ở xã Ôn Lương, vào một ngày trung tuần tháng 11, chúng tôi không chỉ được cùng hái, chế biến chè với người dân, mà còn tham gia trải nghiệm nghe hát then, đàn Tính được biểu diễn bởi Câu lạc bộ hát Then Bản Cọ. Từng tiết mục như: Tổ khúc non xa xa; Đường về bản em… đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với mỗi du khách.

Chị Trần Thị Xuân, một khách tham quan đến từ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội): Từng đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều vùng đất, nhưng khi đến HTX Nông sản Phú Lương tôi thấy rất ấn tượng. HTX đã cho tôi hiểu biết thêm bản sắc văn hóa của người Tày Phú Lương. Có dịp trở lại, chắc chắn tôi sẽ rủ thêm bạn của mình đi cùng.

Bên cạnh sản xuất, chế biến chè, HTX Nông sản Phú Lương đã mua lại ngôi nhà sàn của một hộ dân, trưng bày các dụng cụ đồng bào dân tộc Tày thường ngày vẫn sử dụng, nhằm giới thiệu cho khách tham quan những nét đặc sắc của dân tộc mình.

Anh Tống Văn Viện, Giám đốc HTX Nông sản Phú Lương (ở xã Ôn Lương), sưu tầm nhiều vật dụng của đồng bào dân tộc Tày để trưng bày tại ngôi nhà sàn của HTX.
Anh Tống Văn Viện, Giám đốc HTX Nông sản Phú Lương (ở xã Ôn Lương), sưu tầm nhiều vật dụng của đồng bào dân tộc Tày để trưng bày tại ngôi nhà sàn của HTX.

Anh Tống Văn Viện, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, thông tin: Với mong muốn khôi phục, giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, năm 2023, HTX Nông sản Phú Lương đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ hát Then Bản Cọ với hơn 10 thành viên, tạo nơi giao lưu, quảng bá và truyền dạy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ mai sau, tạo nền tảng để phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Từ năm 2023 đến nay, số lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại HTX tăng hơn so với trước từ 30-40%, tương đương khoảng 20 đoàn khách tham quan/tháng. - Anh Tống Văn Viện

Còn tại xã Yên Trạch, HTX Nông nghiệp Tiên Phong tập trung phát triển mạnh dòng trà từ cây mướp đắng rừng, được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh năm 2024. Ngoài ra, HTX cũng mở rộng thêm các dòng trà dược liệu khác như: trà khôi nhung, trà kim tiền thảo, trà mát gan và một số dược liệu hỗ trợ điều trị bệnh về xương khớp, dạ dày, gan, thận…

HTX Nông nghiệp Tiên Phong (ở xã Yên Trạch, huyện Phú Lương) đã xây dựng được vườn thuốc nam rộng hơn 1ha phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
HTX Nông nghiệp Tiên Phong (ở xã Yên Trạch, huyện Phú Lương) đã xây dựng được vườn thuốc nam rộng hơn 1ha phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Với vùng cây dược liệu rộng 7ha, trung bình mỗi năm, HTX phấn đấu liên kết với các hộ dân, thuê thêm đất để trồng và liên kết với các HTX khác trong và ngoài tỉnh, tăng lên từ 3-4ha, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Anh Nguyễn Quốc Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiên Phong, cho biết: Bên cạnh sản xuất, chế biến các dòng trà từ cây dược liệu, đặc biệt là cây mướp đắng rừng, chúng tôi còn xây dựng một vườn thuốc nam diện tích hơn 1ha để khách hàng đến tham quan, trải nghiệm công đoạn thu hái và biết thêm về các loại cây thuốc nam, tác dụng của chúng đối với sức khỏe.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng, HTX đón từ 1-2 đoàn khách tham quan, trải nghiệm. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng đây là dịp để chúng tôi giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới khách hàng. - Anh Nguyễn Quốc Hoàng

Tại HTX chè Hoan Xuyến, ở xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh, chúng tôi ấn tượng bởi nơi đây không chỉ có những nương chè xanh mướt, được chăm sóc cẩn thận mà còn được hòa mình vào vườn chè được trồng, cắt tỉa theo hình trái tim.

HTX chè Hoan Xuyến, ở xã Vô Tranh (Phú Lương) thiết kế vườn chè hình trái tim, tạo điểm nhấn phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
HTX chè Hoan Xuyến, ở xã Vô Tranh (Phú Lương) thiết kế vườn chè hình trái tim, tạo điểm nhấn phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Bà Tống Thị Xuyến, Giám đốc HTX, chia sẻ: Trong một lần đi tham quan, du lịch ở huyện Mộc Châu (Sơn La), tôi thấy người dân ở đây quy hoạch, trồng riêng một nương chè hình trái tim, thu hút rất đông du khách tham quan, chụp ảnh làm kỷ niệm. Tôi thấy đây là cách làm rất hay, mình có thể học hỏi và áp dụng tại đồi chè của HTX.

Sau lần đi du lịch đó, năm 2020 tôi đã nghiên cứu, lựa chọn khu đất có diện tích khoảng 1.000m2, đứng từ trên đồi cao nhìn xuống thấy rõ hình trái tim được tạo nên bởi những cây chè xanh tốt. Từ khi có vườn chè này, mỗi lần khách đến HTX đều ra để chụp ảnh, giới thiệu hình ảnh HTX tới bạn bè. - Bà Tống Thị Xuyến

Ngoài 3 dẫn chứng kể trên, trên địa bàn huyện Phú Lương còn một số HTX khác đã xây dựng được các mô hình homestay, mở phòng thưởng trà và cải tạo cảnh quan vườn chè để đón du khách đến tham quan, chụp ảnh, như HTX chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh), HTX Du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp Phú Dung (xã Động Đạt) với mô hình tham quan kết hợp nghỉ dưỡng; Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK (xã Yên Ninh) phát triển dịch vụ tham quan, trải nghiệm mô hình trồng cây thìa canh …

Sự chủ động, sáng tạo của các HTX đã tạo nhiều “điểm nhấn” để thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, giúp các HTX quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các thành viên.