Thay vì ngồi chờ khách đến, Thái Nguyên đã mang sản phẩm du lịch của mình đến với các tỉnh, thành phố trong cả nước để chào mời hợp tác; không chỉ tạo thêm sản phẩm du lịch mới, còn mở ra cơ hội phát triển nhanh, mạnh, bền vững của ngành Du lịch... Đây là cách tỉnh Thái Nguyên "chắp thêm đôi cánh" để ngành Du lịch bay cao, bay xa hơn.
Du khách nhận được sự phục vụ tận tình, chu đáo trên chuyến tàu thử nghiệm Hà Nội - Thái Nguyên, góp phần phát triển du lịch trong thời gian tới. Ảnh: Thu Nga |
Năm 2024, ngành Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã gặt hái được nhiều "quả ngọt", với tổng lượng du khách đạt trên 3.485.000 lượt, tăng 39,5% so với năm 2023; doanh thu từ du lịch đạt trên 3.089 tỷ đồng, tăng 44,1%.
Đó là minh chứng sinh động về hiệu quả từ chuỗi hoạt động quảng bá, xúc tiến và xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh trong những năm gần đây. Riêng năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh - đã phối hợp với 15 tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức các hội nghị bàn thảo, tìm giải pháp hợp tác phát triển du lịch.
Với nhiệt huyết “mang chuông đi đánh xứ người”, các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã tranh thủ, tận dụng tối đa về không gian, thời gian để quảng bá đến bạn bè về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thái Nguyên. Với hơn 1.000 di tích lịch sử văn hóa; hơn 550 di sản văn hóa phi vật thể; 11 điểm đến được UBND tỉnh công nhận; gần 300 làng nghề; hơn 230 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao và 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo gắn với văn hóa trà gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Thông qua trình chiếu các video clip và cấp phát tờ rơi, tờ gấp, bản đồ du lịch; trưng bày hình ảnh giới thiệu phong cảnh, con người, phong tục tập quán sản phẩm truyền thống... nhiều doanh nhân làm du lịch các tỉnh, thành phố “giật mình” nhận ra một Thái Nguyên hoàn toàn khác so với cách đây ít năm.
Nhiều người nói: Chúng tôi biết đến Thái Nguyên có hồ Núi Cốc; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và chè Tân Cương. Nhưng bây giờ biết đến Thái Nguyên là một điểm đến lý tưởng, với rất nhiều điểm đến và hoạt động dịch vụ phong phú, vừa có thể tham quan, nghỉ dưỡng, lại có thể trải nghiệm với vùng đất nhà thơ Tố Hữu viết từ cách đây hơn 70 năm: “Non xanh, nước biếc tha hồ dạo”.
Trên một nương chè đẹp. Ảnh: C.T.V |
Các hội thảo về hợp tác, phát triển du lịch được Thái Nguyên tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đã thu hút hơn 600 đại biểu tham gia là lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố, các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Đặc biệt, có hơn 300 người đại diện cho các công ty lữ hành, 200 người đại diện cho các cơ sở lưu trú và 47 cơ quan thông tấn báo chí tham gia tuyên truyền về chuỗi hoạt động Thái Nguyên “Mang chuông đi đánh xứ người”. Góp phần quảng bá thương hiệu du lịch của tỉnh lan tỏa, bay xa đến nhân dân, du khách trong nước và thế giới.
Chuỗi hội thảo đã kết nối cho Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh, thành phố thực hiện ký kết, cam kết cùng chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đầu tư phát triển du lịch và giới thiệu, chia sẻ du khách thông qua các tour, tuyến du lịch được mở mới giữa các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
Đại diện ngành Du lịch các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã đến Thái Nguyên khảo sát, trực tiếp ký kết hợp tác với các khu, điểm đến và doanh nghiệp làm du lịch của tỉnh.
Nhờ đó, lượng du khách đến với Thái Nguyên tăng mạnh vào các kỳ nghỉ lễ và ngày nghỉ cuối tuần. Cao điểm như dịp 2-9, chỉ trong thời gian 4 ngày của kỳ nghỉ lễ này tỉnh đã đón hơn 200.000 lượt du khách, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất sử dụng phòng đạt trung bình 50%. Một số khách sạn, nhà nghỉ ở TP. Thái Nguyên và điểm du lịch có dịch vụ lưu trú đạt công suất buồng phòng từ 80-100%.
Ẩm thực xứ Trà có nhiều món được các nghệ nhân, đầu bếp lấy lá chè làm gia vị. |
Cùng với “mang chuông đi đánh xứ người”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ngay trên địa bàn tỉnh. Trong năm, Sở đã tổ chức các chương trình Famtrip; Famtrip - Presstrip trải nghiệm các khu, điểm đến. Mỗi chương trình thu hút gần 100 người tham gia là đại diện cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp làm du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xuất bản 1.000 cuốn sách ảnh với chủ đề “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc”; 40.000 tập gấp giới thiệu các điểm du lịch trên địa bàn; thiết kế, in ấn 2 tập gấp giới thiệu, quảng bá du lịch “Thái Nguyên bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch”; “Giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thái Nguyên”.
Cuộc thi ảnh đẹp du lịch Thái Nguyên với chủ đề “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc”, Liên hoan “Tinh hoa ẩm thực xứ Trà Thái Nguyên” được tổ chức thành công, thu hút hàng trăm nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia...
Từ linh hoạt, đổi mới trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh và xây dựng, nâng cao chất lượng thương hiệu, ngành Du lịch tỉnh như được “chắp thêm đôi cánh”, tạo sức hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến với Thái Nguyên. Từ đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin