Thời gian qua, Hội Nông dân TP. Thái Nguyên triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ cán bộ, hội viên xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thế mạnh của địa phương, xây dựng thương hiệu nông sản và mang lại thu nhập cao cho người dân.
Gia đình chị Nguyễn Thị Bích Hiền (ở xóm Làng Phan, xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên) là một trong 32 hộ dân trồng ổi trên địa bàn xã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. |
Những năm trước đây, sản phẩm ổi của gia đình chị Nguyễn Thị Bích Hiền (ở xóm Làng Phan, xã Linh Sơn) bán với giá không cao, chỉ 10-12 nghìn đồng/kg. Sau khi tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức, gia đình chị đã chuyển hướng chăm sóc theo quy trình VietGAP và hiện nay là hữu cơ.
Tất cả các bước chăm sóc (như bón phân, tưới nước, phun thuốc…) được ghi chép tỉ mỉ; toàn bộ sử dụng phân bón hữu cơ. Đặc biệt, từ đầu năm 2024, Hội Nông dân xã đã vận động, giới thiệu gia đình chị là một trong nhiều hộ dân trên địa bàn tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ đó, năng suất cũng như giá bán tăng lên, hiện đạt 25-30 nghìn đồng/kg.
Chị Hiền cho biết: Từ khi thực hiện chăm sóc ổi theo quy trình VietGAP đến khi sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của Hội Nông dân trong việc hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ thủ tục, thiết kế, in ấn bao bì, xây dựng câu chuyện sản phẩm… Hiện nay, khi đã có thương hiệu, sản phẩm ổi của gia đình làm ra đến đâu bán hết đến đó, bởi khách hàng gồm cả một số siêu thị và người tiêu dùng nhỏ lẻ đăng ký mua nhiều hơn.
Gia đình chị Hiền chỉ là 1 trong 32 hộ dân trồng ổi trên địa bàn xã Linh Sơn đăng ký xây dựng thương hiệu OCOP 3 sao, với tổng diện tích gần 13ha, chiếm 1/6 tổng diện tích ổi toàn xã hiện nay.
Ngoài ổi là sản phẩm đặc trưng của vùng đất Linh Sơn, TP. Thái Nguyên còn nổi tiếng với sản phẩm chè búp khô và một số nông sản khác, như: Mật ong ở Cao Ngạn, Chùa Hang; giò lụa ở Phúc Hà…
Phát huy những lợi thế này, Hội Nông dân TP. Thái Nguyên thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương; các phòng, ban của thành phố tuyên truyền cho cán bộ, hội viên về các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, cung cấp kiến thức pháp luật, thương mại điện tử, sản xuất an toàn…. Từ đó giúp nhiều hội viên nắm bắt được ý nghĩa, hiệu quả để chủ động tham gia các chương trình, trong đó có OCOP.
Bên cạnh đó, Hội còn đồng hành, hướng dẫn người dân lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chủ lực, ngành nghề truyền thống đặc trưng, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, đăng ký mã số mã vạch, bảo hộ nhãn hiệu… Đồng thời giám sát tiến độ thực hiện, nắm bắt khó khăn để kịp thời tháo gỡ trong quá trình thực hiện sản phẩm OCOP; vận động hội viên thành lập, phát triển các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Nông dân TP. Thái Nguyên trực tiếp triển khai, hỗ trợ thành lập 9 tổ hợp tác, hợp tác xã; 14 chi, tổ hội nghề nghiệp. Đơn cử như: Chi hội nghề nghiệp trồng ổi tại xã Linh Sơn; Chi hội nuôi ong lấy mật ở phường Chùa Hang; Chi hội trồng cây ăn quả xã Đồng Liên…
Cùng với đó, Hội Nông dân thành phố còn chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ hội viên nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn; Voso.vn); hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho các nhóm sản xuất nông nghiệp, hữu cơ, VietGAP…
Từ năm 2023 đến nay, Hội Nông dân thành phố đã hỗ trợ 721 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (bao gồm tất cả các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP).
Đến nay, TP. Thái Nguyên đã có 54 sản phẩm được chứng nhận OCOP (phần lớn chủ thể là hội viên nông dân). Trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 29 sản phẩm 4 sao và 24 sản phẩm 3 sao.
Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đã góp phần nâng cao giá trị nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội, giúp các địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tính đến nay, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt của thành phố đạt 170 triệu đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Vũ La Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Thái Nguyên, cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về việc thực hiện chương trình OCOP; khai thác các nguồn lực giúp hội viên phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời tăng cường quảng bá, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin