Hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi ở Minh Đức

Trịnh Phương 15:14, 27/12/2024

Cùng với các loại gia súc, gia cầm truyền thống, một số hộ dân trên địa bàn xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) lựa chọn những con giống mới, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng để chăn thả. Hiệu quả kinh tế bước đầu từ các mô hình đã góp phần mở ra hướng đi mới, giúp hoạt động chăn nuôi tại địa phương thêm đa dạng.

Với việc duy trì thường xuyên trên 50 con ngựa thương phẩm, nguồn lợi nhuận gia đình bà Phạm Thị Loan, ở xóm Ba Quanh, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) thu về trên 200 triệu đồng/năm.
Với việc duy trì thường xuyên trên 50 con ngựa thương phẩm, gia đình bà Phạm Thị Loan, ở xóm Ba Quanh, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm.

Minh Đức là 1 trong 5 xã phía Tây của TP. Phổ Yên. Với lợi thế vườn đồi rộng, nguồn thức ăn dồi dào từ sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi tại địa phương đạt được những kết quả tích cực. Hằng năm, xã duy trì đàn lợn hơn 10.000 con, khoảng 1.000 con trâu, bò và trên 97.000 con gia cầm. Nắm bắt nhu cầu thị trường, một số hộ dân trong xã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển chăn nuôi các loại con mới như: Đà điểu, công, hươu, ngựa lai...

Với việc duy trì vỗ béo trên 50 con ngựa thương phẩm/lứa (1 năm 4 lứa), nguồn lợi nhuận gia đình bà Phạm Thị Loan, ở xóm Ba Quanh thu về đạt hơn 200 triệu đồng/năm. Đây là mô hình chăn nuôi ngựa thương phẩm đầu tiên, quy mô lớn tại xã Minh Đức. Theo bà Loan, từ năm 2009 đến nay, gia đình liên kết chăn nuôi lợn với doanh nghiệp, quy mô hơn 1.000 con/lứa (1 năm 2 lứa).

Để tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi, bà đã trồng khoảng 3ha cỏ voi để nuôi bò và đến năm 2023 thì bắt đầu chuyển sang vỗ béo ngựa lai. Cứ sau 3 tháng, đàn ngựa sẽ được xuất bán cho thương lái ở tỉnh Bắc Giang. Trong quá trình chăn nuôi, vấn đề vệ sinh môi trường được gia đình bà Loan đặc biệt quan tâm. Ngoài việc xây dựng hệ thống xử lý phân, nước thải theo quy định, bà cũng đầu tư máy ép phân khô để phục vụ trồng trọt. Đặc biệt, trang trại xây dựng cách xa khu dân cư, trồng nhiều cây xanh nên đã hạn chế tác động đến môi trường.

Cũng tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, từ năm 2018, anh Đỗ Văn Hòa, ở xóm Ba Quanh, chăn nuôi trên 30 con đà điểu/năm. Anh Hòa cho biết: Đây là loại chim chưa được chăn nuôi phổ biến nên quá trình chăm sóc tôi gặp những khó khăn nhất định. Đà điểu ưa vận động, rất dễ bị thương tích nên khi làm chuồng cần lưu ý hạn chế tối đa những tác động bên ngoài đến vật nuôi. Với 30 con đà điểu (trọng lượng 90-100kg/con), dự kiến dịp Tết Nguyên đán năm 2025, gia đình anh Hòa sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 3 tấn thịt hơi, lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng.

Anh Đỗ Văn Hòa, ở xóm Ba Quanh, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) đang duy trì nuôi 30 con đà điểu, trọng lượng 90-100kg/con.
Anh Đỗ Văn Hòa, ở xóm Ba Quanh, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) đang duy trì nuôi 30 con đà điểu, trọng lượng 90-100kg/con.

Bên cạnh đà điểu, anh Hòa cũng duy trì hơn 10 con chim công sinh sản. Từ năm 2020 đến nay, anh cung ứng ra thị trường khoảng 40 con giống, giá bán từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/con. Theo anh Hòa, mặc dù chi phí đầu tư lớn, song nguồn lợi nhuận từ loại vật nuôi này khá cao nên gia đình dự định đầu tư mở rộng chuồng trại để nuôi thêm trong năm tới.

Ngoài 2 mô hình chăn nuôi điển hình trên, xã Minh Đức hiện có 5-7 hộ chăn nuôi dê, hươu, nhím… tập trung ở các xóm: Ba Quanh, xóm 1, xóm 2. Trong quá trình chăn nuôi, hầu hết các hộ đều có ý thức phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, với thu nhập bình quân đạt 30-50 triệu đồng/mô hình/năm.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, giai đoạn 2021-2024, UBND xã Minh Đức đã phối hợp tổ chức trên 10 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thu hút hơn 1.200 lượt người dân tham gia; phối hợp với các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho hơn 1.000 lượt hội viên nông dân vay vốn ưu đãi, với số tiền trên 90 tỷ đồng để phát triển kinh tế.

Theo đánh giá của UBND xã Minh Đức, mặc dù các mô hình chăn nuôi những con giống mới tại địa phương chưa nhiều, quy mô còn hạn chế, song đã góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh tại địa phương. Để tránh tình trạng cung vượt cầu, tư thương ép giá, UBND xã khuyến cáo người dân nên lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, đánh giá kỹ nhu cầu của thị trường trước khi quyết định đầu tư chăn nuôi. UBND xã cũng vận động, hướng dẫn bà con thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường để mang lại hiệu quả, phát triển bền vững…