Khác với mọi năm (ngành Tài chính phải chờ đến cuối ngày 31-12 để chốt số thu ngân sách), năm 2024, chỉ tiêu thu ngân sách của tỉnh đã về đích sớm, vượt mọi dự báo trước đó. Trong bối cảnh có không ít khó khăn, thách thức, kết quả thu ngân sách vượt 22% so với dự toán Chính phủ giao là điểm sáng đáng chú ý nhất trong bức tranh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm nay.
Kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng nguồn thu vào ngân sách Nhà nước. Trong ảnh: Phòng điều hành sản xuất tại Nhà máy Nhiệt điện An Khánh. Ảnh: L.K |
Nhiều khoản thu vượt dự toán
Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên được Chính phủ giao dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) là 16.120 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao thu 19.515 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-11, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt gần 16.350 tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán Chính phủ giao, tăng 68 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 13.796 tỷ đồng; thu thuế xuất nhập khẩu 2.424 tỷ đồng; các khoản viện trợ, huy động, đóng góp gần 128 tỷ đồng. Đáng chú ý là trong 16 khoản thu năm nay thì có đến 12 khoản thu đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước, đó là: Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; lệ phí trước bạ; thu phí, lệ phí; thu từ hoạt động xổ số; thu từ xuất nhập khẩu; thu ngân sách khác…
Phân tích về nguyên nhân giúp thu ngân sách trên địa bàn tỉnh vượt dự toán khá cao, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho rằng, đó là nhờ tình hình kinh tế có nhiều khởi sắc. Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Quốc hội và Chính phủ đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, từ đó kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tập trung khôi phục và tăng tốc sản xuất, tăng doanh thu. Nhiều đơn vị còn đầu tư thêm dây chuyền, máy móc hiện đại, nâng cao năng suất lao động.
Ngoài ra, hầu hết các hoạt động kinh tế được phục hồi, kéo theo đó thu nhập của người lao động tăng. Thị trường bất động sản sôi động, các hoạt động giao dịch chuyển nhượng tăng hơn so với thời điểm 2-3 năm trở lại đây do vậy nhiều cá nhân có đóng góp thuế thu nhập cho NSNN…
Đặc biệt, một số địa phương tổ chức tốt công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án đã giúp nguồn thu tiền cấp quyền sử dụng đất tăng lên. Điển hình như một số dự án khu dân cư, khu đô thị: Khu Tân Tiến, khu Thành Công, khu Nam Thái (TP. Phổ Yên); Khu dân cư 13, phường Túc Duyên, Khu dân cư 11B phường Tân Lập, Khu dân cư đường Thanh niên xung phong; Khu dân cư 7C phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên); Khu dân cư phường Bách Quang (TP. Sông Công)…
Cán bộ ngành Thuế hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục nộp thuế. |
Dù đã về đích trước 1 tháng, song lãnh đạo ngành Tài chính cho biết, Thái Nguyên đang phấn đấu thu ngân sách dự ước đạt 19.680 tỷ đồng, vượt 3.560 tỷ đồng, khoảng 22% so với dự toán được Chính phủ giao và vượt 0,8% so với dự toán được HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt trên 17.000 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 2.550 tỷ đồng. Với kết quả dự ước này, Thái Nguyên tiếp tục nằm trong nhóm 18 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, tự cân đối ngân sách và có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương…
Tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp
Để thu ngân sách năm nay vượt dự toán, ngành Thuế cũng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp và tạo nên những điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ của ngành. Trong đó, “sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp” được ngành Thuế quan tâm hàng đầu.
Thời gian qua, ngành Thuế Thái Nguyên luôn quan tâm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cũng như thực hiện tốt các chức năng quản lý thuế. Đơn vị tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế chuyển sang áp dụng thực hiện hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền để dễ dàng trong quản lý, tiết kiệm thời gian, công sức.
Kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng nguồn thu vào ngân sách Nhà nước. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến sâu tinh quặng xuất khẩu tại Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo. Ảnh: L.K |
Cơ quan Thuế còn đẩy mạnh công tác quản lý, triển khai hóa đơn điện tử kết nối máy tính tiền và ứng dụng eTax mobile; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Các đội nghiệp vụ thành lập nhóm Zalo, thư điện tử để chia sẻ thông tin cho người nộp thuế kịp thời. Những vấn đề quan trọng sẽ có cán bộ nghiệp vụ đến tận nơi hướng dẫn từng đơn vị thực hiện.
Vì vậy, “sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp” đối với sự phục vụ của ngành Thuế được nâng lên thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành (DDCI) từ vị trí thứ 7 năm 2022 lên vị trí thứ 2 trong số 23 sở, ngành của địa phương năm 2023. Năm 2024, đơn vị đã tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan Thuế. Kết quả, điểm chỉ số hài lòng đạt 92,16%, vượt tỷ lệ so với yêu cầu của Tổng cục Thuế. Mục tiêu của ngành Thuế Thái Nguyên là đến năm 2025 chỉ số hài lòng phải đạt tối thiểu 90%.
Từ kết quả đạt được năm 2024, ngành Thuế Thái Nguyên xác định 5 giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN trong năm 2025. Trong đó, ngành Thuế tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; chuyển đổi tư duy từ “quản lý” sang “đồng hành, phục vụ” người dân, doanh nghiệp. Tổ chức tốt việc đối thoại, tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ và đề nghị giải đáp, kiến nghị của người nộp thuế bằng nhiều hình thức.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế tại trụ sở cơ quan thuế; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kê khai thuế; rà soát, phân loại số thuế nợ đọng làm căn cứ xây dựng chỉ tiêu thu nợ, xác định nguyên nhân, tình trạng nợ thuế để áp dụng các biện pháp thu hồi nợ phù hợp...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin