Để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, thời gian qua tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ các hợp tác xã. Các sở, ban, ngành của tỉnh đã tích cực hỗ trợ các hợp tác xã tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua các hội chợ, triển lãm, cũng như xây dựng các kênh bán hàng trên các nền tảng số. Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã vẫn hoạt động ở quy mô nhỏ, chậm đổi mới dẫn tới hiệu quả hoạt động hạn chế, phải ngừng hoạt động.
Đầu ra sản phẩm của Hợp tác xã nông, lâm nghiệp xanh thị trấn Quân Chu (Đại Từ) hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. |
Bình mới, rượu cũ
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Đề án phát “triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”. Nhờ đó, số lượng HTX nói chung và các HTX nông nghiệp nói riêng không ngừng được tăng lên, doanh thu và thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện, từng bước hoạt động ổn định. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh tăng lên.
Các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng (sản phẩm OCOP), thực hiện liên kết chuỗi để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Tính đến hết năm 2023, tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 560 HTX (tăng 194 HTX so với năm 2020). Đến tháng 10-2024 toàn tỉnh có tổng số 590 HTX nông nghiệp (tăng 30 HTX so với năm 2023).
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, số lượng HTX ngừng hoạt động, hiệu quả thấp còn chiếm phần lớn. Theo đánh giá của Liên minh HTX, trong tổng số 560 HTX của năm 2023 thì có tới 50,5% HTX hoạt động trung bình, yếu kém; 19,6% HTX ngừng hoạt động; HTX hoạt động hiệu quả chỉ chiếm 29,9%.
Theo ngành chức năng thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng các HTX hoạt trung bình, yếu kém là do: Việc đầu tư máy móc, thiết bị ứng dụng cơ giới hóa phục vụ sản xuất, chế biến còn thấp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đa dạng về mẫu mã kiểu dáng; hoạt động tiêu thụ phải qua nhiều khâu trung gian, thường bị ép giá… Điều này đã dẫn đến tình trạng tham gia vào HTX nhưng các thành viên vẫn hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.
Thị trấn Quân Chu là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất của huyện Đại Từ, với tổng diện tích các loại cây ăn quả vào khoảng hơn 700ha. Chính vì vậy, HTX nông, lâm nghiệp xanh thị trấn Quân Chu (Đại Từ) được thành lập năm 2020 với kỳ vọng sẽ liên kết để cùng sản xuất ra sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, có sức cạnh tranh và đầu ra ổn định, qua đó, góp phần nâng tầm cho sản phẩm cây ăn quả của địa phương.
Tuy nhiên, sau nhiều năm HTX mới chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn, giúp đỡ nhau về kỹ thuật sản xuất trồng trọt, chứ chưa tạo được mối liên kết để tiêu thụ nông sản cho thành viên. Điều này đã dẫn đến tình cảnh các thành viên của HTX thường xuyên rơi vào điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" như những người dân không tham gia vào HTX.
Ông Nguyễn Xuân Huỳnh, Giám đốc HTX nông, lâm nghiệp xanh chia sẻ: Mục tiêu của HTX là sẽ liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho bà con. Đồng thời sẽ chế biến sâu thêm sản phẩm từ các loại cây ăn quả. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Nguyên nhân là do các thành viên vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng được khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt; vùng nguyên liệu chưa đủ lớn; sản xuất vẫn theo mùa vụ; vốn đầu tư vào nhà xưởng, công nghệ lớn; thiếu cán bộ kỹ thuật, chuyên môn cao… - Ông Nguyễn Xuân Huỳnh
“Làm mới” để phát triển
Ngoài nguyên nhân nêu trên, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở nhiều HTX hiện nay đã cao tuổi, hạn chế về năng lực quản lý, dẫn đến hạn chế trong việc tiếp cận tri thức, thành tựu khoa học công nghệ mới phục vụ phát triển HTX. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 55% số cán bộ quản lý HTX chưa được đào tạo chuyên môn, quản lý kinh tế mà mới chỉ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn do các ngành và địa phương tổ chức. Có những HTX, cán bộ quản lý năm nay đã bước qua tuổi 70, 80, như: HTX nuôi ong Phúc Thuận (TP. Phổ Yên); HTX Đồng Tâm (Võ Nhai)…
Ông Nguyễn Văn Quân, sinh năm 1956, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX rau củ quả an toàn Dương Thành, xã Dương Thành (Phú Bình), cho biết: Trong thời buổi hiện nay thì việc tiếp cận với công nghệ thông tin để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm là hết sức quan trong, nó hạn chế được tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Tuy nhiên, việc tiếp cận với internet, công nghệ mới đang là trở ngại đối với tôi khi tuổi đã cao. Mặc dù 2 năm qua tôi đã tìm người trẻ để thay thế nhưng không được nên đầu năm 2024 HTX đã tạm dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã rau củ quả an toàn Dương Thành, xã Dương Thành (Phú Bình) đang vận động con, cháu trong gia đình tiếp quản và vực dậy hợp tác xã. |
Công nghệ số phát triển, đòi hỏi các HTX nông nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ mô hình sản xuất, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu nhằm phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay. Để giải quyết được “nút thắt” này thì vấn đề “trẻ hóa” cán bộ quản lý HTX là rất cần thiết.
Thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, Liên minh HTX tỉnh đã thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên về làm việc tại các HTX và được chi trả tiền lương hằng tháng. Mặc dù đề án được ban hành song mô hình này mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các HTX về kế toán và kỹ thuật.
Các HTX đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế tập thể, xây dựng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Chính vì vậy, việc hoạt động kém hiệu quả của các HTX đã và đang tác động không nhỏ tới việc khai thác tiềm năng về đất đai, nhân lực, sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.
Vì thế, cùng với sự nỗ lực của các HTX, các địa phương trong tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng các chính sách, cơ chế hỗ trợ riêng để hỗ trợ các HTX, nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về nguồn vốn, quảng bá tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, có chính sách thu hút những người trẻ, có năng lực, đam mê làm nông nghiệp để đứng ra thành lập các HTX; tuyên truyền, vận động, khuyến khích, nhân rộng các mô hình nông nghiệp do thanh niên phát triển hiệu quả nâng tầm phát triển thành HTX….
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin