Phú Bình thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp

Phan Trang 10:22, 09/12/2024

Thời gian qua, huyện Phú Bình triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp duy trì và phát triển. Từ đó góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động.

Toàn huyện Phú Bình hiện có khoảng 3 nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. 
Toàn huyện Phú Bình hiện có khoảng 3 nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. 

Trên địa bàn huyện Phú Bình, sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) hiện tập trung vào các ngành nghề: Chế biến và bảo quản nông, lâm sản; dệt may; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ; cơ khí...

Phát huy lợi thế về sản phẩm nông nghiệp đa dạng, diện tích các loại cây trồng và tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất tỉnh (với trên 20.800ha và gần 3,4 triệu con), hằng năm, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích bà con nông dân liên kết, thành lập các hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 63 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với trên 1.400 lao động thường xuyên.

Ngoài ra, UBND huyện cũng quan tâm phát triển làng nghề TTCN thông qua hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 9 làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động như: Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương; Làng nghề chăn nuôi ngựa và chế biến sản phẩm từ ngựa, xã Dương Thành; Làng nghề truyền thống Tương nếp, xã Úc Kỳ...

Một số làng nghề đã thành lập được HTX, như: HTX ngựa bạch xóm Phẩm (xã Dương Thành); HTX trồng và chế biến chè Phú Lợi (xã Bàn Đạt); HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ (chuyên về tương nếp, xã Úc Kỳ)…

Đi đôi với khuyến khích thành lập các HTX, UBND huyện quan tâm hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho HTX, cơ sở sản xuất. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện có 9 cơ sở được hỗ trợ từ đề án khuyến công, với tổng nguồn vốn thực hiện là gần 3,6 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2024, UBND huyện cũng phối hợp triển khai 9 dự án phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực, thế mạnh với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng. Tham gia các dự án, nhiều HTX được hỗ trợ máy móc, thiết bị, bao bì sản phẩm, chế phẩm sinh học...

Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cũng tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến để tạo ra sản phẩm có giá trị cao.

Sản phẩm dầu lạc Đỗ Viện của HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện (ở xã Tân Khánh, Phú Bình) được trưng bày tại Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc năm 2024.
Sản phẩm dầu lạc Đỗ Viện của HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện (ở xã Tân Khánh, Phú Bình) được trưng bày tại Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc năm 2024.

Công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, HTX cũng được huyện chú trọng triển khai. Trong 2 năm 2023 và 2024, UBND huyện cũng phối hợp tổ chức Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Gà đồi Phú Bình và các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Từ đó góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển sản xuất TTCN.

Bà Đỗ Thị Viện, đại diện HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện, xã Tân Khánh, cho biết: Sau khi thành lập HTX và xây dựng được sản phẩm OCOP, hằng năm, chúng tôi được tham gia trưng bày sản phẩm tại nhiều hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại. Nhờ đó, dầu lạc của HTX đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, đặt mua. Trong năm 2024, trung bình mỗi tháng, HTX bán được 400 lít dầu lạc, tăng 350 lít so với năm 2021.

Từ những giải pháp đồng bộ, sản xuất TTCN của huyện ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Toàn huyện hiện có khoảng 3.000 cơ sở TTCN với gần 4.900 lao động, tăng trên 520 cơ sở và hơn 670 lao động so với năm 2020.

Lĩnh vực TTCN phát triển góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt 2.234 tỷ đồng, tăng 705 tỷ đồng so với năm 2020. Trên địa bàn huyện cũng có 8 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; 33 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên.

Thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển TTCN, Phú Bình sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; xây dựng nhãn hiệu và ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, UBND huyện đã và đang đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp để thu hút các cơ sở TTCN, công nghiệp nhỏ trên địa bàn đầu tư làm nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất...