Tết Nguyên đán là thời điểm “vàng” để các hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu khi nhu cầu mua sắm tăng cao. Do đó, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn hàng cung ứng trên thị trường.
Sản phẩm trà phục vụ thị trường Tết được HTX Thái Minh (ở xã Văn Hán, Đồng Hỷ) ưu tiên sử dụng hộp làm bằng giấy. |
Chè là đồ uống không thể thiếu của nhiều gia đình người Việt, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, vào dịp cuối năm, lượng chè bán ra của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ sản xuất, kinh doanh thường tăng hơn so với những tháng trong năm.
Chị Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX Thái Minh, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), cho biết: Thường ngày gia đình tôi chỉ có 2-3 lao động, nhưng vào dịp cuối năm hầu như ngày nào cũng có 5-10 lao động. Từ nay đến Tết Nguyên đán, HTX dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn chè búp khô (tăng hơn 1 tấn so với dịp Tết năm ngoái), chủ yếu là sản phẩm chè tôm nõn, móc câu và trà túi lọc. HTX chủ yếu bán cho siêu thị, cửa hàng và các công ty, doanh nghiệp để làm quà Tết.
Tương tự như các HTX chè, các HTX sản xuất, kinh doanh các mặt hàng khác trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực sản xuất để phục vụ thị trường Tết. HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Làng Tranh, xã Tức Tranh (Phú Lương) chuyên chế biến, sản xuất các loại thực phẩm: cá kho trà xanh, lạp sườn, giò cuốn, giò xào; hiện được phân phối tại 10 cửa hàng kinh doanh nông sản trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Văn Toản, Giám đốc HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Làng Tranh, chia sẻ: Dự kiến dịp Tết năm này, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn cá nguyên liệu, 5 tạ lạp sườn và 2 tạ giò các loại. Vì nguyên liệu tự sản xuất không đủ nên chúng tôi đang thu mua các loại cá trắm cỏ, trắm đen, lợn đen bản địa của người dân trong và ngoài xã. Các nguyên liệu này đa phần được người dân chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 điểm trưng bày và bán sản phẩm của các HTX, do Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm. Các HTX không chỉ bán sản phẩm của mình mà còn kết nối và hợp tác với hơn 100 đơn vị là các hộ sản xuất, công ty, HTX trong và ngoài tỉnh để bán hàng trăm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc sản đã được chứng nhận OCOP (trong đó, sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên chiếm từ 80-90%). Hiện nay, nhân viên tại các điểm trên cũng đang tất bật làm giỏ quà Tết với đa dạng sản phẩm nông nghiệp.
Dự kiến trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025, HTX Phú Lộc, ở phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), cung cấp ra thị trường trên dưới 1.000 giỏ quà, hộp quà. Năm nay, HTX chủ yếu dùng chất liệu mây tre đan, giấy chất lượng cao để làm giỏ, hộp quà.
Chị Lê Thị Quỳnh Trang (Giám đốc HTX Phú Lộc, ở phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) cùng người lao động đóng giỏ quà Tết phục vụ khách hàng. |
Chị Lê Thị Quỳnh Trang, Giám đốc HTX Phú Lộc, cho biết: Giỏ quà Tết được chúng tôi đặt thiết kế theo ý muốn và phù hợp với sở thích của người tiêu dùng. Giá của mỗi giỏ quà từ vài trăm đến hàng triệu đồng tùy vào loại nông sản. Ngoài bán trực tiếp tại điểm bán hàng và phân phối cho cửa hàng, đại lý, cơ sở kinh doanh thì HTX còn bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội (chiếm khoảng trên 60% lượng hàng hóa).
Ghi nhận của chúng tôi tại nhiều HTX, các sản phẩm phục vụ thị trường Tết năm nay có mẫu mã, kiểu dáng độc đáo, sáng tạo và được khéo léo lồng ghép những hình ảnh liên quan đến Tết cổ truyền của dân tộc; có nhiều phân khúc giá cả nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mặc dù lượng hàng hóa tăng cao nhưng giá cả cơ bản ổn định và không biến động đáng kể so với thông thường.
Thái Nguyên hiện có 537 HTX, 5 liên hiệp HTX và 297 tổ hợp tác nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 273 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3-5 sao (gồm 182 sản phẩm 3 sao, 89 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao), trong đó có 229 sản phẩm chủ thể là HTX. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin