Bước chuyển trong sản xuất nông nghiệp ở Nga My

Lưu Phượng 10:09, 13/01/2025

Chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, khép kín; chuyển đổi đất đồi, vườn tạp sang vườn cây ăn quả, áp dụng mô hình cánh đồng một giống, tích cực đưa lúa lai, hiệu quả kinh tế vào sản xuất… đó là những thay đổi trong phát triển nông nghiệp ở xã Nga My (Phú Bình) những năm gần đây. Nhờ đó, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp của xã đạt 100 triệu đồng/ha (tăng 5 triệu đồng/ha so với năm 2023).

Khu trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My. 
Khu trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My. 

Nga My là xã có dân số đông nhất huyện Phú Bình (trên 13.000 người) có địa hình bán sơn địa, khu vực đồng bằng nằm trong đê giáp ranh sông Cầu chịu ảnh hưởng mỗi khi lũ về, miền ngoài đê là địa hình đồi núi thấp. Hơn chục năm trước, người dân Nga My chủ yếu làm ruộng, khai thác cát, đá ven sông, sản xuất thủ công gạch, ngói.

Diện tích đồi trọc, vườn bãi chưa được quy hoạch gọn gàng, chủ yếu vườn tạp không mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 16 triệu đồng/người/năm. 

Bây giờ về xã Nga My chúng ta sẽ thấy một diện mạo khác. Sự thay đổi hiện rõ từ hệ thống hạ tầng, qua các phong trào hoạt động và trong nếp nghĩ của người nông dân. Bên cạnh nguồn thu nhập cao từ con em đi làm ở các khu công nghiệp, nông dân trên địa bàn đã nâng cao thu nhập trên chính đồng đất quê hương.

Ông Nguyễn Văn Sự, xóm Đồng Hòa, là một trong những nông dân điển hình. Từ những đồi bạch đàn, vườn tạp, ruộng lúa kém hiệu quả, ông đã cải tạo để đưa cây ăn quả như: quýt, vải, mơ về trồng. Thời gian đầu các loại cây này phát triển, cho thu hoạch nhưng dần dần thoái hóa, không mang lại kinh tế, ông chuyển sang trồng ổi, bưởi, măng bát độ.

Ông Nguyễn Văn Sự (bên phải), ở xóm Đồng Hòa, là một trong những nông dân xã Nga My sớm chuyển đổi cơ cấu cây trồng , đưa cây ăn quả về trồng mang lại hiệu quả qủa kinh tế cao tại xã Nga My.
Ông Nguyễn Văn Sự (bên trái, ở xóm Đồng Hòa) là một trong những nông dân xã Nga My sớm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả qủa kinh tế.

Hiện nay, trên diện tích gần 7.000m2, ông trồng 500 gốc cây ăn quả các loại, trong đó ổi chiếm đa số. Do chất đất và kỹ thuật chăm sóc nên chất lượng quả nhất là ổi luôn có vị  ngọt riêng biệt. Có thời điểm, mỗi ngày ông bán trên 2 tạ, hái không kịp bán. Năm nay ổi được giá (30.000 đồng/kg) song sản lượng thấp do chịu ảnh hưởng bởi mưa bão. Dưới tán cây, ông nuôi 50 thùng ong, mỗi năm thu được khoảng 150 lít mật, tổng thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Còn tại xóm Phú Xuân, mô hình nuôi bò 3B của anh Dương Văn Hồng nổi tiếng do chăn nuôi theo quy trình tuần hoàn, khép kín. Anh Hồng chia sẻ: Cái khó ló cái khôn. Tôi nuôi lợn dịch bệnh triền miên nên chuyển sang nuôi bò 3B, ban đầu chủ yếu bán cho lò mổ, thương lái. Từ việc chăn nuôi truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp, tôi đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thông qua mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt, trồng ngô sinh khối và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học.

Mô hình khép kín, ngô, cỏ, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò, phân bò nuôi trùn quế, sản phẩm trùn quế dùng để chế biến thức ăn cho trâu, bò, gà, còn phân nuôi trùn quế dùng bón cỏ, ngô. Lượng phân thải ra nhiều, nên mỗi năm ngoài bón tại chỗ anh còn bán trên 100 tấn phân hữu cơ, thu về 200 triệu đồng.

Mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn của gia đình anh Dương Văn Hồng (ở xóm Phú Xuân, xã Nga My, Phú Bình) mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng.
Mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn của gia đình anh Dương Văn Hồng (ở xóm Phú Xuân, xã Nga My, Phú Bình) mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng.

Nhận thấy hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân đã học hỏi kinh nghiệm và cùng nuôi. Đến nay, HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My do anh Hồng làm Giám đốc có 35 thành viên, chăn nuôi bò, gà, lợn, trong đó bò 3B là chính. Bò, lợn thay vì hoàn toàn được bán hơi như trước giờ anh đã đầu tư nhà xưởng để chế biến sâu, đưa ra thị trường các sản phẩm như: Thịt bò sấy khô, xúc xích, giò, dăm bông bò, lợn, mộc viên bò, chả nướng…

Năm 2024, HTX có 3 sản phẩm (dăm bông bò, dăm bông lợn và khô bò) được công nhận OCOP 3 sao. Đây là những sản phẩm được chứng nhận OCOP đầu tiên của xã Nga My.

Ông Đặng Văn Ngọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nga My, phấn khởi nói: Những tấm gương đi đầu như ông Sự, anh Hồng, đã tạo động lực cho nông dân trong xã hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2024, xã có 794/1583 hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Để thúc đẩy nông dân vươn lên, những năm qua, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn triển khai các mô hình, dự án phát triển nông nghiệp trên địa bàn xã như: Dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện để cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn quả cho các hộ dân xóm Đồng Hòa, Thái Hòa, Ba Tầng;  chăn nuôi lợn hữu cơ bằng nguyên liệu trà xanh; chăn nuôi bò theo hướng tuần hoàn, khép kín ở xóm Phú Xuân; trồng trám đen ở xóm Kén; chăn gà VietGAP; mô hình cánh đồng một giống lúa nếp Thầu dầu rộng 3ha ở xóm Thái Hòa...

Các tổ chức hội, đoàn thể cũng tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi phù hợp theo hướng an toàn, hữu cơ; tập huấn khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng...

Kinh tế nông nghiệp trên địa bàn có những khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 65,7 triệu đồng/người/năm (tăng 5,5 triệu đồng so với năm 2023).