Dồn lực hút các nhà đầu tư công nghệ cao

Linh Nga 09:37, 01/01/2025

Để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, từ cuối năm 2023, nhiều đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dẫn đầu đã tham dự 4 chương trình xúc tiến đầu tư tại 6 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Cuba, Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2024, các đoàn lãnh đạo tỉnh tiếp tục tham dự diễn đàn kinh tế, xúc tiến đầu tư tại châu Âu, Trung Quốc và gần đây nhất, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng dẫn đầu Đoàn công tác làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu về công nghiệp bán dẫn tại Hàn Quốc.

Thái Nguyên có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, điện tử, bán dẫn. Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Thái Nguyên có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, điện tử, bán dẫn. Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Mũi nhọn là công nghiệp chế tạo, điện tử, bán dẫn

Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2024 đặt mục tiêu thu hút nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN); tập trung đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, điện tử, bán dẫn...

Trong các chương trình làm việc với nhà đầu tư, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng đối thoại bất cứ khi nào các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Các doanh nghiệp (DN) đánh giá cao tinh thần cởi mở, sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu của các DN. Ông Kim Jin Sung, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, nhấn mạnh: Tôi rất vui mừng vì chỉ trong 1 tháng, lãnh đạo Samsung Thái Nguyên đã 2 lần được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Samsung đang xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025 với mức tăng trưởng phấn đấu đạt từ 3-4% so với năm 2024.

Doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp của tỉnh năm 2024 nộp ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp của tỉnh năm 2024 nộp ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Thái Nguyên đang là "thủ phủ" sản xuất điện thoại thông minh, với số lượng chiếm khoảng 70% sản lượng của cả nước. Ngành chế biến, chế tạo, đặc biệt là sản xuất các mặt hàng điện tử, duy trì tăng trưởng tốt và đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng ngành Công nghiệp. Trong cơ cấu giá trị sản phẩm công nghiệp của tỉnh, nhóm ngành điện tử gồm: máy tính bảng, điện thoại thông minh và linh kiện chiếm phần lớn.

Với chiến lược tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở môi trường đầu tư thông thoáng và cởi mở, Thái Nguyên đã chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, nhất là nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 215 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần 11 tỷ USD. Thái Nguyên luôn là điểm sáng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư các dự án FDI đứng thứ 10/63 tỉnh, thành cả nước.
Hệ thống kho bãi của các doanh nghiệp logictic được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu của hoạt động xuất khẩu.
Hệ thống kho bãi của các doanh nghiệp logictic được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu của hoạt động xuất khẩu.

Tạo mặt bằng sạch và nguồn nhân lực để thu hút đầu tư

Để chủ động đón nhà đầu tư sản xuất công nghệ cao, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh đã quy hoạch 11 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.245ha. Hiện nay, tỉnh đã thành lập 6 KCN, trong đó 5 KCN đang duy trì hoạt động ổn định. Quy hoạch tỉnh có 41 CCN với tổng diện tích 2.067ha. 

Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên: Với dư địa trên 6.000ha đất phục vụ phát triển công nghiệp, Thái Nguyên có lợi thế so sánh để nhà đầu tư thuận lợi tiếp cận đất đai triển khai các dự án.

Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đang đẩy mạnh phối hợp với UBND TP. Sông Công tập trung giải phóng mặt bằng thực hiện các thủ tục để khởi công xây dựng Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2. Đồng thời hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 KCN Thượng Đình, KCN Yên Bình 2, KCN Yên Bình 3 và quy hoạch chung KCN - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên đến năm 2045; phối hợp, tham mưu thực hiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án KCN  Điềm Thụy - Khu A theo quy định...

Cùng với tạo mặt bằng sạch để sẵn sàng thu hút đầu tư, Thái Nguyên phát huy lợi thế là trung tâm giáo dục lớn thứ 3 của cả nước sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tỉnh đã ban hành kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030.

Mục tiêu của Thái Nguyên đến năm 2030 sẽ đào tạo 2.000 người học trình độ đại học và sau đại học ngành nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI trong nước và nước ngoài; 500 người học trình độ cao đẳng và 2.000 người trình độ trung cấp lĩnh vực này.

Đây chính là nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các DN sản xuất bán dẫn, sử dụng trí tuệ nhân tạo, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Những giải pháp đủ mạnh sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục có bứt phá mạnh mẽ hơn trong thu hút đầu tư năm 2025 và những năm tiếp theo. Đây cũng là cơ sở để Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến phát triển công nghiệp toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc.



Ống kính Fujifilm 56mm f1.2 Mua proxy giá rẻ uy tín