Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh có gần 73% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của bà con nhân dân, các xóm, bản đã và đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Người dân xóm Trung Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai), đưa cây đậu tương rau vào trồng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập mà còn khắc phục được tình trạng khó khăn về nguồn nước tưới. |
Đổi thay ở từng xóm làng
Có đến thực tế mới cảm nhận được hết những đổi thay tại nhiều xóm, bản của huyện vùng cao Võ Nhai. Trước đây, nói đến phát triển kinh tế của người dân ở các xóm vùng cao, ai cũng nghĩ ngay đến cây lúa, cây ngô và hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Thế nhưng, những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã dần thay đổi tư duy trong sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Khoảng 3 năm nay, trong mỗi vụ sản xuất chính, bà con xóm Trung Sơn, xã Thần Sa, không chỉ có cây lúa, cây ngô mà xuất hiện ngày càng nhiều cây trồng mới, mang lại thu nhập cao cho người dân, như: đậu tương, dưa chuột, bí đỏ, cây rau màu…
Bà Lê Thị Nghĩa, một người dân trong xóm: Gia đình tôi hiện có 9 sào ruộng. Vụ mùa vừa qua, thay vì cấy lúa tôi đã đưa cây đậu tương rau vào trồng với diện tích 3 sào. Do có liên kết với Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Võ Nhai nên tôi được hỗ trợ về kỹ thuật và có đầu ra ổn định. Với mỗi sào cây đậu tương rau trừ hết chi phí đi tôi thu được gần 3 triệu đồng, cao hơn so với cấy lúa, trồng ngô.
Với việc đưa nhiều mô hình sản xuất mới vào sản xuất không chỉ góp phần nâng cao giá trị trên một diện tích đất canh tác mà còn nâng cao thu nhập cho người dân trong xóm. Ông Đồng Văn Tưng, Trưởng xóm Trung Sơn chia sẻ: Xóm hiện có hơn 10ha đất ruộng, soi bãi. Những năm gần đây, bà con trong xóm đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh gối vụ. Đặc biệt, cây đậu tương rau đã được người dân đưa vào trồng 2 vụ/năm với tổng diện tích trên 3ha, nhờ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Đến nay, xóm chỉ còn 9/101 hộ nghèo, cận nghèo (năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 30%). - ông Đồng Văn Tưng
Trở lại xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng những ngày này, chúng tôi được chứng kiến cảnh bà con đang cùng nhau xây dựng lại tường rào và các công trình phụ. Những hộ dân này vừa hiến đất để mở rộng 1,2km đường trục chính của xóm từ 3,5m lên 6m.
Đang cùng với anh em trong gia đình xây dựng cổng nhà, ông Chu Văn Giang cho biết: Năm 20215, khi xóm xây dựng tuyến đường, gia đình tôi đã hiến hơn 100m2 đất vườn tạp. Vừa qua, khi xóm mở rộng tuyến đường, gia đình tôi lại hiến tiếp 50m2 và công trình tường rào dài hơn 50m. Tôi cũng chỉ mong muốn mình và bà con trong xóm đi lại thuận tiện và có điều kiện để phát triển kinh tế.
Ông Chu Văn Giang, xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng, xây lại tường rào của gia đình sau khi hiến đất và phá bỏ tường rào cũ để tuyến đường trục chính của xóm được mở rộng. |
Tuy nhiên, đổi thay lớn nhất ở Cao Lầm không phải cơ sở hạ tầng giao thông mà là việc người dân có nguồn nước sinh hoạt dồi dào. Khoảng gần 10 năm trở về trước, cứ vào mùa khô hanh hằng năm, các hộ dân lại phải đi chở từng can nước ở dưới khe núi về dùng. Việc thiếu nước sinh hoạt đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, ông Chu Văn Tuyên, Trưởng xóm Cao Lầm, cho biết: Hiện, 100% các hộ dân trong xóm đã có nguồn nước sinh hoạt dồi dào, do được Nhà nước đầu tư công trình nước tập trung, người dân tự khoan giếng hay kéo nước từ khe núi về dùng. Ngoài ra, trên 80% hộ dân trong xóm đã sử dụng máy lọc nước tinh khiết.
Cùng với xóm Trung Sơn, Cao Lầm, các xóm khác trên địa bàn huyện Võ Nhai cũng đã và đang được “thay áo mới”. Những con đường khang trang nối dài khắp các xã, xóm; những nhà văn hóa to đẹp với đầy đủ các trang bị đầy đủ tiện nghi; thu nhập của người dân ngày một nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.
Đến nay, trên địa bàn huyện Võ Nhai có 153 xóm có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% xóm trên địa bàn huyện có dịch vụ internet; trên 98% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2024 chỉ còn 8,48%... |
Nỗ lực để bức tranh thêm sáng
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng đến hết năm 2024, huyện vẫn còn 6/14 xã chưa đạt chuẩn NTM và cũng là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh còn nhiều xã chưa đạt chuẩn NTM. Các xã chưa đạt chuẩn, gồm: Sảng Mộc, Thần Sa, Thượng Nung, Vũ Chấn, Nghinh Tường, Liên Minh.
Việc triển khai xây dựng NTM ở những xã trên gặp không ít khó khăn, do tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân thấp, môi trường chưa đảm bảo… Tuy nhiên, không vì thế mà phong trào xây dựng NTM chững lại. Các cấp chính quyền từ huyện tới cơ sở vẫn đang tích cực vào cuộc để triển khai có hiệu quả Chương trình.
Những con đường ở các xóm trên địa bàn huyện Võ Nhai ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Trong ảnh: Con đường trục chính của xóm Làng Lai, xã La Hiên. |
Tính đến hết năm 2024, xã Thượng Nung vẫn còn 6/19 tiêu chí chưa đạt, gồm: cơ sở vật chất văn hóa; nhà ở dân cư; thu nhập; hộ nghèo; tổ chức sản xuất; môi trường và an toàn thực phẩm. Chính vì thế, chính quyền xã đang đưa ra những giải pháp, việc làm cụ thể để thực hiện từng tiêu chí.
Bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM; huy động nguồn lực để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 32 hộ dân; tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để triển khai các mô hình dự án phát triển trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Trao đổi về những giải pháp trong thời gian tới để hỗ trợ các xã trong xây dựng NTM, ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Võ Nhai đã và đang huy động mọi nguồn lực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại các xã chưa đạt chuẩn NTM. Cùng với đó là tập trung hỗ trợ các xã thực hiện các tiêu chí mềm, tập trung phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Huyện chỉ đạo các xã không chạy theo thành tích bằng mọi giá mà cần xác định rõ xây dựng được tiêu chí nào chắc tiêu chí đó, người dân phải thực sự được hưởng thành quả từ các tiêu chí đã đạt.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách với các cấp chính quyền và người dân huyện Võ Nhai trong chặng đường phía trước, nhưng những gì đã đạt được ngày hôm nay và sự quyết tâm của các cấp chính quyền và người dân sẽ tô điểm thêm cho bức tranh của huyện thêm tươi sáng hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin