Những năm qua, không nằm ngoài “vòng xoáy” của biến động thị trường, dịch COVID-19, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Đại Từ cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Song nhờ có các giải pháp hữu hiệu, nhiều đơn vị đã vượt qua sóng gió và trụ vững, tiếp tục phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần quan trọng tăng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện.
![]() |
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT Chi nhánh Đại Từ. Ảnh: T.L |
Xác định sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Đại Từ đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất phát triển; phấn đấu tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn đạt 9%/năm.
Hằng năm, vào dịp đầu Xuân, UBND huyện đều tổ chức gặp mặt các DN, hợp tác xã (HTX), làng nghề và hộ kinh doanh; tổ chức hội nghị đối thoại với cộng đồng DN… để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của các doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất. Từ đó kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự gắn kết giữa DN với chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, huyện đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư, khai thác hợp lý, có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; công tác phối hợp với các sở, ngành của tỉnh trong việc hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất CN-TTCN được tăng cường. Các chủ DN, cơ sở sản xuất CN-TTCN được tham gia nhiều lớp tập huấn về ứng dụng mô hình sản xuất mới, phổ biến quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhãn hàng hóa…
Các cơ sở sản xuất CN-TTCN cũng đã chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh thích hợp, hiệu quả; chú trọng đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, như: Máy đục CNC công nghệ cao, máy cưa bàn trượt trong chế biến và gia công đồ gỗ; máy sao chè bằng gas, máy hút chân không trong chế biến chè…
![]() |
Đóng gói sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao tại Hợp tác xã chè Nhật Thức, xã Phục Linh (Đại Từ). |
Đại Từ xác định thế mạnh của huyện là cây chè. Những năm qua, chè trở thành sản phẩm mũi nhọn, đặc trưng trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các DN, HTX đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất, như: Công ty CP chè Hà Thái xây dựng vùng nguyên liệu với tổng diện tích 5ha tại xóm Đồng Tiến, xã La Bằng, hướng dẫn người dân về kỹ thuật xây dựng vùng chè an toàn, sản xuất theo quy trình VietGAP; Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia xây dựng các hộ "vệ tinh" tham gia trồng nấm tại các xã Hà Thượng, Phú Xuyên và thị trấn Hùng Sơn...
Huyện Đại Từ cũng tăng cường phối hợp với ngành chức năng tổ chức cho các DN, cơ sở sản xuất CN-TTCN tham gia hội chợ triển lãm quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường, hỗ trợ trong việc thiết kế bao bì, nhãn mác, lập website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh… Thông qua đó, các cơ sở sản xuất CN-TTCN đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm chè của một số HTX, DN trên địa bàn huyện đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, như HTX chè Nhật Thức, HTX chè La Bằng…
Hoạt động thương mại trên địa bàn huyện được duy trì ổn định, thị trường hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại 17 chợ ở các xã, thị trấn góp phần tăng cường trao đổi sản phẩm TTCN trên địa bàn.
![]() |
Giao dịch tại Siêu thị B mart, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). |
Huyện cũng đã quy hoạch bổ sung, điều chỉnh các cụm công nghiệp nằm trên địa bàn các xã An Khánh, Hà Thượng, Tiên Hội, Phú Lạc và nghiên cứu thành lập Cụm công nghiệp Yên Lãng.
Giai đoạn 2021-2024, việc đầu tư kinh phí chương trình khuyến công cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mua sắm máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm được quan tâm với tổng kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng.
Huyện tích cực triển khai mô hình chợ 4.0 không dùng tiền mặt tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm bán hàng và chợ trên địa bàn các xã, thị trấn; đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng chợ ở nhiều xã (như Phú Cường, Phúc Lương, Phú Thịnh, Mỹ Yên, Phú Lạc). Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ gắn với phát triển giao thông, đô thị mới trên địa bàn…
Với những giải pháp đồng bộ, tốc độ tăng trưởng CN-TTCN bình quân giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Đại Từ đạt từ 4% trở lên. Giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện có bước tăng trưởng nhanh qua các năm (năm 2024 đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2023).
Toàn huyện có 55 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận; trên 1.700 cơ sở CN-TTCN hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực (như sản xuất, chế biến, kinh danh chè; kinh doanh vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp; HTX dịch vụ điện…), tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động địa phương. Trên địa bàn huyện có 5 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin