Nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ đang trở thành xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp hiện đại bởi những giá trị tích cực đối với sức khỏe con người và môi trường. Thời gian qua, không ít nông dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn thay đổi tư duy, từ bỏ “lối mòn”, cách làm cũ, hướng tới sản xuất sạch, bền vững. Tuy nhiên, hành trình chuyển đổi này không đơn giản khi phía trước họ vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại.
![]() |
Vùng trồng dược liệu canh tác theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc, ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ). |
Bà Trần Thị Bình, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thành Đạt, ở xã Phú Đô, Phú Lương, bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất chè hữu cơ từ năm 2019. Thông qua các lớp tập huấn, bà biết cách sử dụng các loại phân hữu cơ ủ từ đỗ tương, thức ăn dư thừa và các loại hoa quả chín, cùng với đó là mua phân hữu cơ bên ngoài để bón cho cây chè. Ban đầu, cây chè chưa kịp thích nghi khiến nhiều diện tích bị chết, năng suất giảm rõ rệt, nhưng bà Bình vẫn kiên trì áp dụng.
Hiện nay, HTX nông nghiệp Thành Đạt có 5ha chè (trong tổng số 13ha) canh tác theo hướng hữu cơ. Mặc dù sản xuất dần ổn định nhưng thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn là một trở ngại lớn. Người tiêu dùng chưa thực sự nhận diện được giá trị của sản phẩm chè an toàn, còn tâm lý so sánh về giá so với chè thông thường. Trong khi đó, sản xuất chè sạch cần nhiều công chăm sóc hơn, giá thành sản phẩm cũng cao hơn.
Theo bà Bình, đang có một nghịch lý tồn tại trên thị trường là lúc có chè ngon, an toàn thì không có đầu ra; người cần mua thì không biết tìm ở đâu, còn người sản xuất lại không biết bán cho ai...
Cùng địa phương với bà Bình, anh Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc HTX trà an toàn Phú Đô, sớm hiểu rõ tác hại từ việc phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, bón phân hóa học, nên đã lựa chọn sản xuất hữu cơ từ những ngày đầu thành lập HTX. Nhưng khi bắt tay vào làm, anh mới thấy có quá nhiều trở ngại.
Theo anh, khó khăn lớn nhất hiện nay là diện tích sản xuất manh mún, khiến chi phí tăng cao, khó áp dụng khoa học - kỹ thuật và không thể hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn. Việc thiếu quy hoạch đất cũng là rào cản lớn nếu muốn phát triển sản phẩm phục vụ xuất khẩu hoặc khai thác du lịch nông nghiệp trải nghiệm.
HTX trà an toàn Phú Đô có 5ha canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ từ hơn 5 năm nay, sản phẩm được người dùng ghi nhận, đạt giải cao trong cuộc thi chè quốc tế. Song đến nay, diện tích này vẫn chưa được đơn vị chuyên môn cấp chứng nhận hữu cơ vì diện tích nằm rải rác không tập trung.
Bên cạnh đó, ý thức sản xuất của một bộ phận người dân địa phương còn hạn chế. Nguồn vốn sản xuất cũng là một trong những trở ngại lớn đối với HTX nói riêng và những người làm chè nói chung.
Không chỉ sản xuất chè, nhiều nông dân khác cũng đang áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. HTX nông lâm nghiệp xanh của anh Nguyễn Xuân Huỳnh, thị trấn Quân Chu, Đại Từ, được thành lập tháng 7/2024, trên nền tảng tổ hợp tác trồng chuối tiêu hồng, là một ví dụ.
![]() |
Hợp tác xã nông lâm nghiệp xanh, ở thị trấn Quân Chu, Đại Từ, phát triển cây trồng, vật nuôi theo mô hình tuần hoàn, khép kín; gà được chăn bằng cám nghiền từ phụ phẩm nông nghiệp. |
Anh Huỳnh cho biết: Tôi sử dụng men vi sinh đối với phụ phẩm nông nghiệp để tạo phân bón trở lại cho cây, nghiền thành cám làm thức ăn cho gà, cá, lợn; nguồn phân từ gà lợn lại được xử lý thành phân hữu cơ. Một vòng tròn khép kín giúp tiết kiệm chi phí, giảm rác thải và thân thiện với môi trường.
HTX hiện có diện tích 30ha trồng chuối, bưởi, nhãn với chăn nuôi gà, cá, ong, trong đó có 15ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Theo anh Huỳnh, khó khăn của người làm nông nghiệp an toàn, hữu cơ là thủ tục để xin chứng nhận VietGAP, hữu cơ hay chỉ dẫn địa lý vẫn phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí, trong khi đầu ra các chủ thể đang tự lo.
“Tôi mong các chính sách hỗ trợ cần thực chất hơn, thay vì chỉ hỗ trợ đầu vào như giống, phân bón thì nên tập trung nhiều hơn vào đầu ra, giúp nông dân kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm.” - anh Huỳnh bày tỏ.
Thực tế cho thấy, để nông nghiệp hữu cơ phát triển hiệu quả, chính quyền và cơ quan chuyên môn phải đóng vai trò định hướng, tạo nền tảng bằng cách xây dựng vùng nguyên liệu bài bản, từ đó hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu.
Các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần hỗ trợ quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, thúc đẩy dồn điền đổi thửa, cho thuê đất dài hạn hoặc trao quyền sử dụng đất ổn định để HTX yên tâm đầu tư. Đồng thời có cơ chế ưu đãi về vốn, thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân chuyển đổi sang sản xuất sạch, bền vững.
Từng có gần 15 năm sinh sống tại nước ngoài, anh Huỳnh thấu hiểu rằng muốn làm nông nghiệp bền vững, không thể làm đơn lẻ hay tự phát. Chỉ khi xây dựng được một hệ sinh thái hữu cơ đồng bộ, nơi nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học, người tiêu dùng và truyền thông cùng tham gia, cùng hưởng lợi thì nông nghiệp hữu cơ mới có thể phát triển bền vững và lan tỏa sâu rộng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin