T.P Sông Công hiện có 4 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 139,63ha. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào các CCN hiện gặp không ít khó khăn.
CCN Khuynh Thạch (phường Cải Đan) được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch từ năm 2004 có quy mô 19,3ha. Theo Đề án phát triển CCN do Sở Công thương lập năm 2010 đã nâng quy mô của CCN này lên 40ha. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 3 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 51%. Tương tự, CCN Bá Xuyên có quy mô 48,5ha nhưng cũng mới chỉ có 1 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 0,7%. Còn CCN Lương Sơn có diện tích 34,5ha vừa mới được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch nên chưa có dự án nào được đầu tư. Với tỷ lệ lấp đầy đã đạt khoảng trên 90%, CCN Nguyên Gon được cho là thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư hơn cả (với 13 dự án).
Theo thống kê của T.P Sông Công, trong tổng số 139,63ha đất dành cho phát triển các CCN thì hiện nay mới giải phóng mặt bằng được khoảng trên 40ha. Diện tích còn lại sẽ tiếp tục được giải phóng mặt bằng khi có dự án đầu tư vào các cụm. Lúc đó, Thành phố sẽ cùng với nhà đầu tư giải phóng mặt bằng trên cơ sở doanh nghiệp ứng vốn, số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, việc thu hút đầu tư vào các CCN của T.P Sông Công vẫn đang gặp không ít khó khăn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân chính khiến các CCN chưa thu hút được các dự án là do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư một cách đồng bộ vì thiếu nguồn ngân sách. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu trong phát triển công nghiệp. Điều này đã gây trở ngại không nhỏ cho các doanh nghiệp khi có ý định đầu tư vào đây. Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân, CCN Nguyên Gon cho biết: Công ty chúng tôi là một trong những Công ty đầu tiên đi vào hoạt động sản xuất trong CCN. Do hạ tầng của CCN chưa được đầu tư, hệ thống điện, nước không có nên Công ty đã phải ứng trước tiền để thành phố giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất cho doanh nghiệp xây dựng, sản xuất. Phải mất 2 năm Công ty mới đi vào sản xuất ổn định.
Còn đối với CCN Khuynh Thạch hiện nay, tỷ lệ lấp đầy mới đạt 51%, diện tích đất còn lại đang để trống. Chủ đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp tư nhân Trung Thành đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phần diện tích đất còn lại 20,7ha. Hiện, CCN này cũng mới chỉ có 3 doanh nghiệp đi vào hoạt động: Công ty cổ phần Kinh doanh Nông nghiệp Quốc tế Iba; Công ty TNHH Liên doanh Lửa Việt và Công ty cổ phần Máy và thiết bị Narime. Trong đó, có Công ty TNHH Liên doanh Lửa Việt là có diện tích rộng nhất (1,2ha) đã đi vào sản xuất từ năm 2007. Ông Lê Duy Anh, Phó Giám đốc Công ty cho hay: Khi mới vào CCN, chúng tôi phải tự làm đường vào, khoan giếng, đầu tư hệ thống máy lọc nước... để Công ty có thể đi vào hoạt động sản xuất đúng thời gian.
Được biết, hiện nay các dự án đi vào hoạt động tại 3 CCN trên chủ yếu ở các lĩnh vực như: Cơ khí, vật liệu chịu lửa, sản xuất bao bì từ giấy và bìa, sản xuất thức ăn chăn nuôi... tạo việc làm cho trên 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Việc chưa có nhiều dự án đầu tư, chậm tiến độ hoặc đầu tư chưa hiệu quả tại các CCN ở T.P Sông Công đã khiến hiệu suất sử dụng đất đạt thấp, gây lãng phí nguồn tài nguyên. Mặc dù vậy, để đưa ngành công nghiệp dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, T.P Sông Công đang tích cực thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong việc tổ chức tiếp nhận, thẩm định, giao đất triển khai thực hiện dự án, đồng thời giúp nhà đầu tư thực hiện toàn bộ các thủ tục về công tác giải phóng mặt bằng. Với các CCN nằm đan xen trong các khu dân cư, công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư còn gặp khó, Thành phố sẽ cùng với các nhà đầu tư đối thoại với người dân để di chuyển những hộ dân nằm trong quy hoạch CCN đến nơi ở mới. Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ chọn lọc những dự án đầu tư sản xuất có kỹ thuật công nghệ tiên tiến, sản phẩm khoa học công nghệ cao thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, giảm thiểu tiếng ồn, không gây ô nhiễm không khí... Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị tỉnh quan tâm mời gọi các dự án vào thành phố; các sở, ngành rà soát các dự án được chấp thuận nhưng quá thời gian vẫn chưa triển khai, từ đó có biện pháp thu hồi để thu hút các dự án khác vào các cụm.