Nhà đầu tư Thái Hưng góp phần cải thiện các doanh nghiệp ngành Thép

10:28, 01/09/2017

Từ cuối năm 2016 trở lại đây, báo chí trong nước đã tốn không ít giấy mực và thời gian để tìm hiểu, phân tích, thông tin về việc Công ty CP Thương mại Thái Hưng đầu tư, nắm quyền chi phối tại Công ty CP Thép Việt Ý (VISCO) và trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế cùng một số nhà đầu tư chứng khoán, hiện hoạt động của các doanh nghiệp thép mà Công ty CP Thương mại Thái Hưng tham gia đầu tư đang được cải thiện và hồi sinh.

Công ty CP Thương mại Thái Hưng tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ  Kim khí Thái Hưng, được thành lập ngày 22/5/1993 theo Quyết định số 291/QĐ-UB của UBND tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Sau hơn 24 năm xây dựng và phát triển, Công ty đã chính thức đổi tên (2003) và chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, sản xuất, kinh doanh (SXKD) đa ngành nghề, trong đó có 3 nhóm ngành nghề chính gồm: Sản xuất (thép, phôi thép, cốp pha thép, chế biến lâm sản, kết cấu, xây dựng); kinh doanh (thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm, kinh doanh lâm sản) và dịch vụ (vận tải, khách sạn, nhà hàng).

Với số vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, trong những năm gần đây, Công ty luôn đạt doanh thu hàng năm từ 15.000 tỷ - 18/000 tỷ đồng; đảm bảo cung ứng  hàng trăm nghìn tấn thép xây dựng các loại/năm, chiếm 13% thị phần thép trong nước. Ngoài  quan hệ trực tiếp với 43 đối tác ở 20 quốc gia trên thế giới, Công ty cũng là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho các thương hiệu thép Thái Nguyên TISCO, Thép Việt Ý VISCO, Công ty TNHH NatSteelVina (NSV, liên doanh giữa Tập đoàn NatSteel - Singapore và Tổng Công ty Thép Việt Nam), Công ty sản xuất Thép Úc SSE (Hải Phòng), Công ty Thép VSC-POSCO (VPS, Thép Việt-Hàn, liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam với Tập đoàn POSCO của Hàn Quốc)… Công ty còn là nhà phân phối các sản phẩm thép của TIS, VIS, Thép Việt-Hàn…

Thực hiện chiến lược phát triển SXKD theo quy mô tập đoàn, đặc biệt là tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thép, từ năm 2016 đến nay, Công ty đã từng bước nghiên cứu, tập trung vốn đầu tư mua và nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu trên 80% vốn điều lệ của Thép Việt Ý VISCO. Đồng thời tổ chức đầu tư hàng chục tỷ đồng, tái khôi phục, đưa Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng chính thức sản xuất trở lại sau gần 4 năm ngừng sản xuất do thua lỗ. Từ đầu năm 2017 đến nay, Công ty đã chính thức sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu TISCO của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, tương ứng tỷ lệ trên 20% vốn điều lệ, góp phần đưa Công ty trở thành một trong những cổ đông lớn của TISCO. Đặc biệt, sau Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 29-6-2017, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.

 

Bảo đảm cung ứng trên 10% nguyên liệu, phế thép cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Với sự có mặt chính thức của các lãnh đạo Công ty CP Thương mại Thái Hưng trong vai trò là Chủ tịch HĐQT của Thép Việt Ý VISCO, Thép Thái Nguyên TISCO đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về các thương vụ “thâu tóm”, các lo ngại về mất việc làm, giảm thu nhập của một số lao động trong các công ty kể trên. Tuy nhiên, trước những khởi sắc trong hoạt động SXKD của Thép VISCO, Thép TISCO và bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho 250 người lao động tại Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng hiện nay đã minh chứng cho những lời đồn đoán trên là sai. Ở chiều ngược lại, giá cổ phiếu của VISCO và TISCO tăng liên tục trong thời gian qua sau những khởi sắc trong SXKD của các doanh nghiệp và nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư về sự hồi sinh, cải thiện SXKD của các doanh nghiệp thép khi Thái Hưng tham gia đầu tư và tái cơ cấu.

Cụ thể như Thép Việt Ý: Chỉ tính riêng trong quý 4/2016, sau khi Thái Hưng nắm quyền chi phối, VISCO đã đạt tổng doanh thu 1.431 tỷ đồng (mức cao nhất kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2006), tăng 81% so với quý 4/2015. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2016, đạt 72,8 tỷ đồng (năm 2015, lỗ 51,8 tỷ đồng), hoàn thành gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà Đại hội đồng cổ đông giao phó. Và đây cũng là con số lãi lớn nhất kể từ năm 2010. Trong 6 tháng đầu năm 2017, VISCO đạt tổng doanh thu trên 3.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; lợi nhuận sau thế đạt gần 39 tỷ đồng. SXKD đạt sự tăng trưởng đột biến nên không khó lý giải khi giá cổ phiếu của VISCO cũng tăng liên tục trong thời gian gần đây.

 

Mỗi năm, doanh nghiệp cung ứng hàng trăm nghìn tấn thép xây dựng, chiếm 13% thị phần trong toàn quốc.

Đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 chưa đủ điều kiện để tái khởi động lại, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2017, Công ty vẫn đạt tổng doanh thu 4.310 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt trên 84 tỷ đồng. Đặc biệt, cổ phiếu TISCO đã tăng mạnh từ vùng giá 7.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên mức trên 11.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Theo các nhà đầu tư, nguyên nhân cổ phiếu TISCO tăng mạnh, ngoài kết quả SXKD khả quan, thì phần lớn là do thông tin Công ty CP Thương mại Thái Hưng vừa trở thành cổ đông lớn của TISCO.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Thái Hưng kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tự tin: Từ những bài học kinh nghiệm thông qua việc sốc lại SXKD phát triển tại Thép Việt Ý và Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, đặc biệt với tiềm lực sẵn có cùng sự nỗ lực, đồng thuận của các cổ đông và người lao động, trong thời gian tới, HĐQT Công ty CP Gang thép Thái Nguyên sẽ thực hiện nhiều nhóm giải pháp, từng bước nâng cao hiệu quả SXKD, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại Công ty.

Thời gian sẽ đánh giá hiệu quả các thương vụ đầu tư của Công ty CP Thương mại Thái Hưng, nhưng tín hiệu đáng mừng là trước mắt, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp mà Công ty tham gia góp vốn và nắm quyền chi phối đang trên đà được cải thiện. Với những gì Thái Hưng đã làm tại VISCO, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng hoạt động SXKD của TISCO sẽ chuyển sang mầu hồng so với quãng thời gian trước.