Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Cần mang tính chuyên sâu, đặc thù

15:04, 02/10/2017

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) là hoạt động hết sức cần thiết nhằm góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho các chủ DN, từ đó hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Nhưng hực tế thời gian qua cho thấy, hoạt động hỗ trợ pháp lý trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự hiệu quả và chưa đáp ứng được kỳ vọng của các DN.

Với chủ trương luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN phát triển, những năm gần đây, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có sự hỗ trợ về mặt pháp lý. UBND tỉnh đã giao cho Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu và đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ cụ thể. Hiện nay, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN được thực hiện với 5 nội dung chính là: Xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ DN; tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn kiến thức; giải đáp pháp luật bằng văn bản, thông qua mạng điện tử, điện thoại hoặc tư vấn trực tiếp; tiếp nhận kiến nghị và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành.

Ông Đàm Ngọc Huân, Phó trưởng Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Sở Tư pháp) thông tin: Ngoài những nội dung nêu trên, từ cuối năm 2015, Sở Tư pháp còn tổ chức ký kết quy chế phối hợp, hỗ trợ pháp lý trực tiếp đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nam Thái Nguyên cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Nhưng thực tế cho thấy, việc phối hợp hỗ trợ pháp lý cho các DN sau khi ký kết vẫn chưa thực sự hiệu quả... Còn bà Nguyễn Thị Thanh Nga, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nam Thái Nguyên cho biết: Sau gần 2 năm ký kết, chúng tôi đã được tập huấn và tư vấn, hướng dẫn pháp lý đối với một số vấn đề tại đơn vị. Thông qua trao đổi nghiệp vụ đã tạo điều kiện thuận lợi cán bộ, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tuy vậy, chương trình hỗ trợ pháp lý chưa được như kỳ vọng ban đầu. Nhu cầu của ngân hàng chủ yếu là tư vấn pháp luật, trình tự cụ thể liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng để thu hồi nợ. Tuy nhiên các chủ tài sản thường không hợp tác, trây ì không ký các biên bản bàn giao tài sản, thậm chí ký biên bản nhưng không thực hiện bàn giao theo đúng cam kết. Mặc dù chúng tôi đã làm theo tư vấn của cán bộ tư chuyên môn nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Có một thực tế cần đề cập là mặc dù triển khai việc giải đáp pháp luật miễn phí nhưng hầu như chưa có đơn vị, DN nào gọi điện hoặc trực tiếp tìm đến đơn vị đầu mối là Sở Tư pháp để nhờ trợ giúp. Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh cho biết: Chúng tôi hiện có trên 300 hội viên, chủ yếu là đơn vị mới thành lập, quy mô nhỏ và chủ DN có tuổi đời dưới 35. Do vậy, vướng mắc phổ biến về pháp lý là việc đăng ký quyền sở hữu bảo hộthương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộý tưởng sáng tạo. Cùng với đó là mong muốn được tư vấn các thủ tục hành chínhliên quan tớiđăng ký kinh doanh, thuế vụ,đấtđai, môi trường, thủ tục công chứng,… Thời gian qua, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã cung cấp tới DN những thông tin, tạp chí liên quan tới vấnđề pháp lý, thông qua cácđầu mối là hội, hiệp hội DN. Tuy nhiênđó mới chỉ là tương tác một chiều, những thông tin như vậy khi đưa tới DN chưa được tiếp nhận đầy đủ. Theo tôi, nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía. DN thì thường thụđộng,chưa trang bị đủ về thông tin pháp lý, chỉ khi thực sự gặp phải vấnđề về pháp lý mới tìm hiểu cách tháo gỡ. Về phía cơ quan chuyên môn cũng không thường xuyên liên hệ với  DN để tìm hiểu, trợ giúp những nội dung pháp lý thực sự phù hợp.
Hiện nay, các sở, ngành, đơn vị của tỉnh cũng đã triển khai những hình thức riêng để hỗ trợ pháp lý cho các DN. Điển hình là Sở Công Thương tổ chức các lớp giới thiệu, tập huấn về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu sang các nước ASEAN; Sở Kế hoạch - Đầu tư tổ chức khóa đào tạo nghiệp vụ đấu thầu qua mạng, phố biến thông tin cơ chế, chính sách đầu tư, xúc tiến thương mại, in vấn và phát hành tơ rơi giới thiệu đăng ký các loại hình DN bằng hình thức trực tuyến; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - DN để giải đáp các vướng mắc, tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay; các huyện, thành phố, thị xã tổ chức gặp mặt, đối thoại với DN… Tuy nhiên, hình thức phổ biến nhất vẫn là tập huấn các văn bản pháp luật và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, quản lý. Theo đại diện một số DN, thực tế các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật như vậy chưa cao. Nguyên nhân là nội dùng còn hình thức, cứng nhắc và chưa đi sâu vào những vấn đề DN thiếu. Cách tập huấn, tuyên truyền đang theo hướng đơn vị chuyên môn có chứ chưa thực chất theo hướng những cái DN cần.

Để việc hỗ trợ pháp lý cho DN hiệu quả hơn, bà Nguyễn Thị Thanh Nga đề nghị: Cần tăng cường trao đổi thông tin giữa hai bên và hỗ trợ, tư vấn đối với các vụ việc cụ thể phát sinh. Còn ông Phạm Anh Tuấn thì cho rằng: Các cơ quan chuyên môn của tỉnh, trong đó đầu mối là Sở Tư pháp nên phân loại các loại hình DN để trợ giúp. Bởi vì mỗi DN có đặc thù sản xuất, kinh doanh khác nhau và kèm theo đó là các quy định, hành lang pháp lý cũng khác nhau. Việc trợ giúp cần hướng nhiều đến DN vừa và nhỏ, bởi đây thường là những đơn vị có hiểu biết pháp luật ít hơn. Ngoài tổ chức hội nghị tập huấn, việc hỗ trợ pháp lý có thể kết hợp thông qua đầu mối các hội, hiệp hội, câu lạc bộ; kênh thông tin mạng xã hội như facebook, zalo. Đồng thời tăng cường hơn nữa tư vấn qua đường dây nóng và trực tiếp khi DN có nhu cầu…