Huyện Phú Lương hiện có trên 150 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, như: Khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng… Hằng năm, các công ty, doanh nghiệp này đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Đóng góp vào kết quả đó, những năm qua, huyện Phú Lương đã tạo mọi điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Xác định “Doanh nghiệp có hưng thịnh thì kinh tế mới phát triển”, những năm qua, huyện Phú Lương luôn quan tâm, chú trọng, tạo mọi điều kiện từ việc hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, tranh thủ nhiều nguồn vốn khác nhau… để hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phát triển. Nhờ đó, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị trên địa bàn qua từng năm được ổn định, mở rộng dần về quy mô sản xuất. Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện đã đạt hơn 400 tỷ đồng (đạt trên 92% kế hoạch năm), đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 40 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH Vũ Hải Lâm, ở thị trấn Giang Tiên được thành lập từ năm 2013 với lĩnh vực hoạt động chính là chế biến than đốt từ mùn cưa. Bình quân mỗi tháng, Công ty xuất ra thị trường trên 30 tấn sản phẩm, đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 100 triệu đồng, trừ các chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng/tháng. Hiện nay, đơn vị đang tạo việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ông Vũ Thanh Hà, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty chúng tôi được cấp giấy phép kinh doanh từ năm 2007, với các lĩnh vực hoạt động như: Xăng dầu; khai thác, chế biến khoáng sản… Khoảng mấy năm trở lại đây, chúng tôi mới mở rộng sang lĩnh vực sản xuất, chế biến than đốt từ mùn cưa. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi được chính quyền các cấp từ huyện đến tỉnh hỗ trợ rất nhiều, nhất là việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Công ty Xây dựng và Thương mại Khánh Hưng, trụ sở chính tại T.P Thái Nguyên được thành lập từ năm 2006 với lĩnh vực hoạt động chính là xây dựng. Năm 2017, đơn vị này mở rộng kinh doanh thêm xăng dầu, có địa điểm giáp tuyến Quốc lộ 3 mới thuộc địa phận của xã Vô Tranh (Phú Lương). Bà Nguyễn Thị Hưng, Giám đốc Công ty cho biết: Chúng tôi phải thực hiện rất nhiều thủ tục trong quá trình đăng ký hoạt động trong lĩnh vực mới. Tuy nhiên, vì được chính quyền các cấp của huyện Phú Lương tạo điều kiện nên các thủ tục hoàn thiện rất nhanh. Hiện nay, chúng tôi đang chờ UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư, sau đó xin huyện cấp giấy phép xây dựng sẽ tiến hành xây dựng trạm xăng dầu với quy mô đầu tư khoảng 15 tỷ đồng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, bên cạnh hỗ trợ các hồ sơ, thủ tục hành chính, huyện Phú Lương còn trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực. Tính từ năm 2011 đến nay, từ nguồn quỹ khuyến công của trung ương, tỉnh, huyện Phú Lương đã tiếp nhận và phối hợp thực hiện 20 đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp cho 20 doanh nghiệp trên địa bàn với tổng kinh phí trên 2,8 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Sỹ, xóm Bờ Đậu, xã Cổ Lũng - hộ kinh doanh được hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn quỹ khuyến công năm 2017 cho biết: Gia đình tôi chuyên kinh doanh bánh chưng. Để kiếm thêm thu nhập, gia đình đã làm thêm công việc khắc gỗ, do đó đã được tỉnh, huyện hỗ trợ tiền để đầu tư mua máy điêu khắc gỗ. Nhờ vậy, con trai tôi có thêm việc làm với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 1 lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
Ngoài những hoạt động hỗ trợ trên, huyện Phú Lương cũng thường xuyên tổ chức, quán triệt, phổ biến các chính sách phát triển doanh nghiệp, chính sách ưu đãi về thuế, bảo hiểm xã hội, chính sách sử dụng vốn vay ưu đãi tới các doanh nghiệp trên địa bàn. Bà Phan Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Với nhiệm vụ, chức năng của mình, chúng tôi thường xuyên tham mưu cho huyện phối hợp với các sở, ngành của tỉnh; phòng, ban chuyên môn của huyện tiến hành hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện về thủ tục hành chính, rà soát các đề án trong diện được hỗ trợ nguồn quỹ khuyến công, các đề án bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, để đồng hành cùng với doanh nghiệp, thời gian qua, huyện cũng thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, mục đích để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư, triển khai các hoạt động sản xuất - kinh doanh; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp.