Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2017. Thời điểm này, các doanh nghiệp trong tỉnh đang nước rút về đích. Theo khảo sát của chúng tôi, một số doanh nghiệp kết thúc tháng 10 đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra cả năm, số khác dự tính sẽ về trước kế hoạch 1 tháng. Tuy nhiên, với Mỏ sắt Trại Cau (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên), khả năng sẽ bị thủng kế hoạch năm, mặc dù trong quý III vừa qua kế hoạch sản xuất của đơn vị đã được điều chỉnh giảm để phù hợp với thực tế.
Vì sao ở một đơn vị luôn hoàn thành và về trước kế hoạch trong những năm trước như Mỏ sắt Trại Cau lại có kết quả không vui như vậy trong năm nay? Tìm hiểu thực tế mới thấy, có rất nhiều khó khăn đã và đang ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của đơn vị.
Được biết, ngay từ đầu năm Mỏ được Công ty giao kế hoạch hoàn thành 110 nghìn tấn quặng sắt, nhưng trước thực tế khó khăn, tháng 8 vừa qua Công ty đã quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch xuống còn 100 nghìn tấn. Dù vậy, theo tính toán của Ban Giám đốc Mỏ, kết thúc năm khả năng hoàn thành chỉ đạt khoảng 90 nghìn tấn. Ông Vi Trần Dương, Phó Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau ngao ngán: Hơn 50 năm hoạt động, chưa năm nào đơn vị gặp khó khăn như năm nay. Kết quả như hiện tại là cả sự nỗ lực hết mình của cán bộ, công nhân viên, người lao động trong đơn vị. Cũng theo ông Dương, mấy tháng đầu năm hoạt động còn thuận chiều nhưng bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 10, sản lượng sụt giảm trầm trọng. Khoảng thời gian này, mưa triền miên khiến moong khai thác chủ yếu của Mỏ là Tầng sâu Núi Quặng bị sự cố. Ngay từ đầu tháng 6, do mưa nhiều đã gây sạt lở bờ moong, nước từ bên ngoài suối tràn vào lòng moong gây ngập cả chục mét. Hơn thế khối lượng đất sạt trượt lên tới gần 200.000 m3 khiến toàn bộ khu vực khai thác phía Tây của mỏ (khu khai thác chính) phải tạm dừng để thải đất. Theo bộ phận khai thác của Mỏ, phải thải khoảng 130.000m3 đất mới bắt đầu khai thác được quặng sắt.
Mặc dù đơn vị đã huy động hết lực lượng, cộng với thuê doanh nghiệp bên ngoài (12 máy xúc, 23 ô tô tải, 3 máy gạt…), song đến hết tháng 10, đơn vị mới thải được khoảng 30.000m3. Do đó, việc khai thác phải chuyển một phần sang khu vực phía Đông của mỏ. Đây là khu vực thứ yếu, có trữ lượng quặng thấp nên sản lượng đạt được không đáng kể. Việc thải đất gặp khó khăn vì vừa thải vừa phải hút, xả nước thường xuyên, nếu không cứ 2 đến 3 ngày nước lại ngập đầy lòng moong. Một cán bộ phụ trách hệ thống bơm nước của Mỏ cho hay, đơn vị đã huy động 4 máy bơm nước hoạt động liên tục với tổng công suất khoảng 500m3/giờ. Khi gặp sự cố, nếu duy trì máy bơm ổn định cũng phải mất khoảng 45 ngày mới hút cạn. Tuy nhiên, không phải lúc nào máy bơm cũng chạy đều bởi ở đây thỉnh thoảng lại mất điện, có khi một tháng mất điện mấy ngày. Và khi đó, nước lại dâng lên như ban đầu khiến hoạt động thải đất đã khó lại càng khó hơn. Do đó, từ tháng 6 đến tháng 10, cả Mỏ mới khai thác được 15.000 tấn quặng, bằng ½ sản lượng khai thác trung bình mỗi tháng lúc không gặp sự cố.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của hiện tượng sụt lún, mất nước, nhiều hộ dân trong hành lang bán kính khai thác của Mỏ bị nứt nhà, đổ tường, thiệt hại về hoa màu. Đơn vị đã phải tập trung nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả cho người dân. Từ đầu năm đến nay, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã bỏ ra trên 20 tỷ đồng để hỗ trợ di dời nhà cửa, cấp nước sinh hoạt, sản xuất và bồi thường thiệt hại hoa màu cho người dân vùng sụt lún. Do đó, không chỉ để thủng kế hoạch mà đời sống của hơn 200 công nhân Mỏ cũng bị ảnh hưởng. Trong những tháng gặp sự cố, khoảng 50% công nhân Mỏ đã phải tạm nghỉ làm, tuy vẫn được Công ty hỗ trợ tiền lương, song đời sống gặp không ít khó khăn...
Việc Mỏ sắt Trại Cau gặp khó khăn đã ảnh hưởng đáng kể đến tình hình sản xuất của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Do đó, trong thời gian qua, Công ty đã cùng chia sẻ, động viên và kịp thời hỗ trợ đơn vị. Mặt khác, Công ty đang nỗ lực giải quyết những tồn tại, khó khăn trước mắt và lâu dài để ổn định sản xuất, duy trì việc làm đều đặn cho người lao động.