Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

10:26, 01/12/2017

Những ngày qua, thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh xuống thấp phổ biến từ 13 đến 15 độ C, có nơi dưới 13 độ C. Để chủ động ứng phó với thời tiết, bà con nông dân đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Gần 1 tháng nay, ông Ma Văn Tải, dân tộc Tày, xóm Nà Mỵ, xã Linh Thông (Định Hóa) tất bật sửa sang, gia cố lại chuồng trại cho đàn trâu của gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tải cho biết: Những năm trước, mùa đông nào xóm tôi cũng có trâu, bò bị chết vì đói, rét. Điển hình là đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016, cả xóm có 5 con trâu, 2 con bò và hơn chục con dê bị chết do rét đậm. Năm đó, gia đình tôi cũng bị chết 1 con  trâu và 2 con dê, thiệt hại  hơn 20 triệu đồng. Vì vậy, năm nay tôi quyết tâm không để thời tiết "cướp đi" tài sản của mình nữa. Tôi đã đầu tư hơn 5 triệu đồng để làm lại chuồng trâu cho chắc chắn và kín đáo... Đồng thời có thể dự trữ được thêm rất nhiều rơm rạ và xung quanh chuồng cũng được che chắn bằng vải bạt để đảm bảo giữ ấm cho trâu trong những ngày gió rét.  

Rút kinh nghiệm từ mùa đông những năm trước, năm nay, mặc dù mới chớm bước vào vụ rét nhưng gia đình ông Nông Văn Thu, xóm Na Mấy, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) đã chủ động đưa đàn bò từ rừng về nhà nuôi nhốt để tiện trông coi, chăm sóc. Ông Thu chia sẻ: Gia đình tôi có 8 con bò, trị giá hơn 100 triệu đồng.  Đây là tài sản lớn nhất của gia đình nên ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa là gia đình tôi đã tiến hành gia cố, che chắn chuồng trại bằng bao tải và bạt cũ để ngăn không cho gió lạnh, sương muối làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn bò trong những ngày giá rét. Bên cạnh đó, sau khi gặt lúa mùa, gia đình tôi cũng tích trữ một lượng lớn rơm khô để làm thức ăn cho đàn bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, không thể đưa bò ra ngoài chăn thả. Ngoài rơm rạ dự trữ, tôi còn trồng thêm cỏ và chuẩn bị cám gạo, ngô, sắn, nước muối... để bổ sung, tăng sức đề kháng cho bò trong những ngày rét đậm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Linh Thông (Định Hóa) cho biết: Đồng bào vùng cao thường có tập quán thả rông gia súc trong rừng. Chính vì vậy, những năm trước đây, trên địa bàn xã thường xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết mỗi khi rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại lớn đến đời sống của bà con; tác động tiêu cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, tập trung tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi nhận thức cũng như tập quán chăn nuôi của người dân. Nhờ đó, vài năm trở lại đây,  ý thức của người dân trong phòng, chống đói rét cho vật nuôi đã được nâng lên rõ rệt, hầu hết các hộ gia đình đều đã xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn cẩn thận, lót chuồng giữ ấm cho vật nuôi và tích trữ sẵn các loại thức ăn khô để đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi...

Qua khảo sát tại Định Hóa, Võ Nhai và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh trong những ngày rét đậm vừa qua, chúng tôi hầu như không còn bắt gặp hiện tượng thả rông trâu, bò như trước đây. Công tác phòng, chống đói rét và bệnh tật cho đàn vật nuôi đã được người dân ngày càng chú trọng hơn.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 61,7 nghìn con trâu; 46,5 nghìn con bò và trên 11,8 triệu con gia cầm... Bước vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, rét đậm, rét hại là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển trên gia súc, gia cầm, nhất là dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò... Chính vì vậy, ngay khi mới bắt đầu vào mùa đông, Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị trong tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại địa phương; thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống đói rét. Trong đó, chú trọng các xã có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét, dịch bệnh. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ chăn nuôi biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đặc biệt, khuyến cáo người dân không thả rông gia súc trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C..

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng, thủy văn Trung ương, thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Mùa đông năm nay đến muộn nhưng được dự báo sẽ xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại hơn mọi năm. Chính vì vậy, người dân cần tích cực, chủ động trong việc phòng, chống rét cho đàn vật nuôi để hạn chế thấp nhất thiệt hại do tác động của thời tiết gây ra.