Tăng trưởng kinh tế năm 2017: Sức bật công nghiệp

09:16, 07/12/2017

Không chỉ vượt so với kế hoạch đề ra, tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2017 dự ước cao hơn khá nhiều so với bình quân chung cả nước. Các chuyên gia cho rằng, kinh tế Thái Nguyên những năm gần đây duy trì ổn định và tăng đều là do có sự tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực, trong đó chủ lực là khu vực công nghiệp (CN). Hiện nay, khu vực này đang chiếm tỷ trọng trên 55% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh.

Theo số liệu mới được ngành Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2017 ước đạt 12,6%, vượt 0,6% so với kế hoạch đề ra, trong đó khu vực CN tăng 17,3%, khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 7,23%.

Năm nay, điểm đáng chú ý là các lĩnh vực trong ngành CN đều tăng mạnh, không giống các năm trước là chỉ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là  tăng. Cụ thể trong năm nay, khu vực FDI tăng 19,5% (tương đương giá trị trên 533 nghìn tỷ đồng), còn khu vực CN trong nước (gồm cả CN Trung ương và CN địa phương) tăng từ 9% đến 12,4%. Ngay từ khi xây dựng kế hoạch, khu vực FDI luôn được tỉnh tập trung và trông chờ đóng góp nhiều nhất. Tuy vậy, trên thực tế, năm nay sản lượng nhóm sản phẩm điện tử, viễn thông thuộc khu vực FDI lại không tăng mạnh so với năm trước. Điều này khiến nhiều người lo ngại về khả năng đạt mục tiêu đề ra.

Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Tuy sản lượng các sản phẩm này không tăng nhưng đổi lại giá trị vẫn tăng, do đó mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Dự ước giá trị sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng vẫn tăng, kéo khu vực FDI tăng lên gần 20% so với năm trước. Báo cáo gần đây của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cho thấy, năm 2017, đơn vị không gặp bất kỳ sự cố nào giống như năm 2016 nên quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đáp ứng được yêu cầu đề ra. Dự tính cả năm, Công ty sản xuất được trên 100 triệu sản phẩm điện thoại thông minh và gần 24 triệu sản phẩm máy tính bảng.

Theo ông Shim won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, năm 2018, đóng góp của Samsung vào tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ lớn hơn, bởi hiện tại các dự án đầu tư của Samsung tại Thái Nguyên đã cơ bản ổn định. Công ty cũng đang chuẩn bị điều kiện ra mắt những sản phẩm mới có giá trị cao ngay vào đầu năm sau...

Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng gần 8% trong cơ cấu ngành CN của tỉnh, song khu vực CN trong nước năm nay có chuyển biến khá rõ nét. Sắt thép các loại đã tăng tới gần 31%, may mặc tăng 16,3%, vonfram và sản phẩm vonfram tăng 8,2%, điện thương phẩm tăng trên 16%, đồng tinh quặng tăng 8,6%. Đáng chú ý năm nay sức đóng góp của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) là rất đáng chú ý. Dự ước, sản phẩm vonfram của đơn vị đạt sản lượng tới 18,3 nghìn tấn, vượt gần 13% so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra, một số sản phẩm khách như bismuth, florit, đồng của doanh nghiệp cũng tăng mạnh so với năm trước. Ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc NuiPhao Mining cho biết, do những tháng cuối năm nay giá vonfram thế giới tăng mạnh nên giá trị sản xuất của đơn vị cũng tăng theo. Với đà này, khả năng năm 2018, doanh thu của Núi Pháo sẽ đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng mức từ 30% đến 40%.

Cùng với NuiPhao Mining, các doanh nghiệp nội địa khác như: Công ty cổ phần (CP) Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty Nhiệt điện An Khánh, Nhiệt điện Cao Ngạn… cũng đều có bước tăng trưởng khá tốt. Sản phẩm may mặc của TNG tăng trên 10%; sản phẩm thép TISCO tăng khoảng 30%, sản phẩm điện của các Nhà máy điện tăng trên 16%...

Theo đánh giá của ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh thì hầu hết các đơn vị sản xuất CN quy mô lớn đều nằm trong các KCN, trong đó đáng chú ý là các dự án FDI, chiếm tỷ trọng trên 92% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ước tính, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN năm 2017 là khoảng 25,3 tỷ USD và 5.000 tỷ đồng. Trên 180 dự án đầu tư và hoạt động tại các KCN đang đóng góp rất lớn vào chỉ tiêu tăng trưởng của ngành CN nói riêng và tăng trưởng kinh tế cả tỉnh nói chung.

Dự ước năm nay giá trị sản xuất CN của tỉnh đạt trên 571 nghìn tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm trước và vượt 1,5% kế hoạch năm. Các nhà chuyên môn khẳng định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12,6%, trong đó riêng đóng góp của ngành CN đã chiếm hơn 10%. Dịch vụ, thương mại và nông, lâm nghiệp thủy sản đóng góp trên 2%. Cụ thể, xuất khẩu của tỉnh năm 2017 đạt giá trị 23 tỷ USD, tăng tới 20,2% so với năm trước (khu vực vốn FDI đạt 22,6 tỷ USD, trong nước đạt trên 300 triệu USD); tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 11%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm trước.

Với kết quả khả quan như hiện nay, các nhà chuyên môn dự báo năm 2018 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì ổn định và có sự phát triển đột biến trong từng khu vực, nhất là khu vực kinh tế chủ lực.