Cuối tháng 6-2017, Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng (Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng - GSS) buộc phải ngừng sản xuất do nguy cơ mất an toàn, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chi phí sản xuất tăng cao nhưng sản phẩm khó tiêu thụ. Trong khi Công ty CP Thương mại Thái Hưng và GSS đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư Dự án Di dời, cải tạo nâng cấp Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng lên 500 nghìn tấn/năm thì xuất hiện dư luận nghi ngờ mục đích của Công ty Thái Hưng khi hợp tác, đầu tư tái khởi động Nhà máy… Phóng viên Báo Thái Nguyên đã đi sâu tìm hiểu xung quanh vấn đề này.
Dự án Di dời, cải tạo nâng cấp Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng lên 500 nghìn tấn/năm do Công ty Thái Hưng làm chủ đầu tư đã được Ngân hàng Tiên Phong - Chi nhánh Nam Hà Nội đồng ý thu xếp tài chính tại văn bản số 509/2017/CKTXTC.NHN ngày 5/10/2017 với tổng số tiền trên 667 tỷ đồng... |
Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng (gọi tắt là GSS) tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco). Sau khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình cổ phần (năm 2007), GSS luôn trong tình trạng sản xuất kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Đến năm 2013, GSS chính thức dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Ngoài tổng số nợ lên đến trên 140 tỷ đồng không có khả năng thanh toán (trong đó có trên 60 tỷ đồng nợ các ngân hàng thương mại; trên 80 tỷ đồng nợ thuế, nợ đối tác và các khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động)… GSS còn bị thất thoát, mất trộm nhiều tài sản, thiết bị lên đến hàng tỷ đồng.
Do không có khả năng thanh toán các khoản nợ trên, đầu tháng 1-2014, tại Bản án số 07/2014/QĐST-KDTM, Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên đã tuyên: GSS phải thanh toán khoản vay trên 38,8 tỷ đồng cộng lãi suất cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên. Sau nhiều cuộc thương thảo, Chi cục Thi hành án Dân sự T.P Thái Nguyên, GSS và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên đã thống nhất giải quyết thi hành án bằng phương án thanh lý, bán đấu giá toàn bộ khối tài sản trên đất của doanh nghiệp với tổng số tiền 58,8 tỷ đồng để trả nợ. Phương án này đã nhận được sự đồng tình của lãnh đạo tỉnh, đồng thời UBND tỉnh cũng có công văn đề nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện, phối hợp cùng GSS tháo gỡ khó khăn, giải quyết các chế độ, giúp người lao động có việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Thông qua phương thức bán đấu giá công khai với điều kiện các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá phải đầu tư để tái sản xuất, giải quyết việc làm và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội… sau hai phiên đấu giá, Công ty CP Thương mại Thái Hưng (gọi tắt là Công ty Thái Hưng) đã đấu giá thành công sau khi chi ra số tiền gần 60 tỷ đồng (gần gấp đôi số tiền đấu giá lần 1). Ngoài việc đầu tư trên 30 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa dây chuyền cán thép để tái sản xuất theo theo đúng cam kết, Công ty Thái Hưng còn hỗ trợ người lao động thông qua việc mua lại cổ phiếu “tụt dốc” của GSS, giúp người lao động giảm bớt khó khăn. Được biết, đây là lần thứ hai Công ty Thái Hưng bỏ vốn đầu tư vào GSS (sau cổ phần hóa năm 2007, Công ty Thái Hưng đã từng đầu tư và chiếm tới 20% cổ phần của GSS). Là doanh nghiệp có tiềm lực, luôn đứng trong tốp 100 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Công ty Thái Hưng hiện sở hữu trên 50% cổ phần của Công ty CP Thép Việt Ý (Visco) và trên 20% cổ phần của Tisco. Nhiều người kỳ vọng Công ty Thái Hưng sẽ giúp GSS tháo gỡ khó khăn, đi vào sản xuất ổn định, từng bước lấy lại thương hiệu là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực cán thép.
Để tạo điều kiện cho GSS khôi phục, phát triển SXKD, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (số CC436768 & CC436767) cho Thái Hưng để doanh nghiệp tiếp tục thuê diện tích trên 21 nghìn m2 đất sử dụng sản xuất của Nhà máy và gần 5,8 nghìn m2 đất sử dụng làm sân thể thao phục vụ người lao động. Cùng thời gian này, Tisco (nay là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) cũng chấp thuận cho GSS thuê thương hiệu Tisco để sản xuất thép cán nóng (đường kính từ 10mm - 20mm) trong thời gian 3 năm.
Đúng như kỳ vọng của người lao động GSS và cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cuối tháng 12-2016, mẻ thép cán đầu tiên đã ra lò, đánh dấu sự hoạt động SXKD trở lại của GSS sau gần 4 năm dừng sản xuất. Với sự đầu tư trở lại của Thái Hưng, thương hiệu GSS tiếp tục có mặt trên thị trường cả nước, góp phần bảo đảm việc làm ổn định cho trên 200 lao động với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Theo báo cáo kết quả SXKD của Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng thuộc GSS, trong 2 quý đầu năm 2017, Nhà máy đã sản xuất được trên 17 nghìn tấn sản phẩm thép cán xây dựng từ D14 - D18 (đường kính từ 14mm - 18mm) mang thương hiệu Tisco. Tuy nhiên, ngoài các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tăng bất thường so với chỉ tiêu kế hoạch, sản phẩm thép cán của GSS rất khó tiêu thụ (hiện còn tồn kho khoảng 7 nghìn tấn sản phẩm) do nhiều nguyên nhân. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Luân, Trưởng Ban quản lý Dự án khôi phục và cải tạo Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng (BQLDA - đại diện Công ty Thái Hưng) cho biết: Sau 6 tháng đi vào sản xuất trở lại, GSS và Thái Hưng quyết định dừng sản xuất do thua lỗ. Nguyên nhân chính là chi phí gia công sản phẩm quá lớn, gần gấp đôi so với các nhà máy cán thép khác... Tuy nhiên, cũng theo ông Luân, Công ty Thái Hưng vẫn bảo đảm hỗ trợ tiền lương và đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động trong thời gian ngừng sản xuất.
Sản xuất không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, sản phẩm sản xuất ra không cạnh tranh được cả về chất lượng, chủng loại và giá thành, nên cuối tháng 7-2017, Ban lãnh đạo GSS đã họp thống nhất tạm dừng sản xuất để lựa chọn giải pháp đầu tư công nghệ mới. Được biết, hiện chi phí nhân công của GSS lên tới gần 2,2 triệu đồng/tấn sản phẩm, trong khi ở các nhà máy cán thép khác trong cả nước chi phí này chỉ từ 1- 1,2 triệu đồng/tấn sản phẩm. Nhiều chỉ tiêu tiêu hao nguyên liệu/tấn sản phẩm của GSS cũng tăng cao so với kế hoạch: Tiêu hao dầu FO tăng 31,8%; tiêu hao điện tăng 16,1%; tỷ lệ phế phẩm tăng đến 39,1%...
Lý giải nguyên nhân dừng sản xuất, ông Bùi Long Xuyên, Tổng Giám đốc GSS cho chúng tôi biết thêm: Đứng trên phương diện kỹ thuật, nguyên nhân chính dẫn đến sản xuất không ổn định, kém hiệu quả của Nhà máy là do các yếu tố: Thiết bị trên dây chuyền sản xuất thép cán của GSS đa phần được chế tạo từ những năm 70 của thế kỷ trước, sau 40 năm hoạt động cùng với thời gian dừng sản xuất khá lâu, thiết bị không được chăm sóc, bảo dưỡng nên rất nhiều chi tiết, linh kiện hỏng hóc nặng. Các chi tiết, linh kiện cũng không còn được bán trên thị trường nên buộc phải sửa chữa, chắp vá, khi sản xuất xảy ra nhiều sự cố, phế phẩm nhiều, tiêu hao dầu FO, điện và kim loại tăng. Công nghệ cán của GSS là công nghệ cán bàn vòng, bán tự động, sử dụng sức lao động thủ công là chính. Hiện, dây chuyền chỉ cán được các loại phôi thép độ dài dưới 3m, tốc độ chậm (11m/s) nên năng suất không cao, bề mặt sản phẩm xấu so với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường. Nguồn điện phục vụ sản xuất được lấy từ Trạm 110kV Gang thép, có khoảng cách xa (5km) nên việc cung cấp điện áp 6kV cho sản xuất không ổn định, nhất là vào ban đêm dẫn đến các sự cố về công nghệ.
Đặc biệt, sau khi Nhà máy dừng sản xuất năm 2013, nhiều lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao đã chuyển đi làm việc tại các doanh nghiệp khác nên khi tái khởi động sửa chữa, vận hành (tháng 7-2016), Nhà máy phải tuyển nhiều lao động mới, tay nghề chưa cao, gây rất nhiều khó khăn trong việc vận hành, sửa chữa và duy trì sản xuất ổn định 3 ca. Cũng theo một số cán bộ kỹ thuật của Phân xưởng Cán, ngoài việc thường xuyên phải xử lý sự cố (có ngày phải xử lý sự cố từ 2-8 tiếng), thì việc sản xuất trên dây chuyền thiết bị thiếu đồng bộ, chắp vá cũng ảnh đến môi trường làm việc, môi trường sinh thái, nhất là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người vận hành.
Trước tình hình trên, Ban lãnh đạo GSS (đơn vị nhận sản xuất thuê và vận hành Nhà máy) đã phối hợp với BQLDA cùng các bộ phận có liên quan tổ chức nhiều cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Hợp đồng thuê sản xuất giữa GSS và Công ty Thái Hưng. Thông qua ý kiến thảo luận tại các cuộc họp, 2 bên đã thống nhất đánh giá: Thái Hưng đã thực hiện đúng cam kết của mình trong việc mua lại tài sản của GSS, đã hoàn thành việc đầu tư khôi phục sản xuất của Nhà máy thuộc GSS, tạo công ăn việc làm cho người lao động và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, do sản xuất không hiệu quả, 2 bên thống nhất dừng sản xuất để tìm phương án đầu tư công nghệ mới. Ngày 25-7-2017, Ban lãnh đạo GSS ban hành Văn bản số 355/GSS gửi HĐQT Công ty Thái Hưng, trong đó nêu rõ việc Ban lãnh đạo GSS đã tổ chức họp và thống nhất việc tạm dừng sản xuất, đồng thời đề nghị Công ty Thái Hưng xem xét phương án di dời kết hợp cải tạo nâng cấp công nghệ và công suất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng lên 500 nghìn tấn/năm (phương án do Ban lãnh đạo GSS xây dựng).
(Còn nữa)