Khu công nghiệp Sông Công I: Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường

10:49, 06/01/2018

Thời gian gần đây, người dân sống xung quanh Khu công nghiệp (KCN) Sông Công I liên tục có ý kiến phản ánh đến các cơ quan chức năng về thực trạng ô nhiễm khói bụi, khí thải gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Trước thực trạng trên, một số doanh nghiệp trong KCN đã và đang nỗ lực khắc phục sự cố, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

KCN Sông Công I được thành lập và đi vào hoạt động gần 20 năm nay, hiện đã thu hút được hơn 40 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh (trong đó có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực luyện kim, đúc, cơ khí chế tạo... Tuy nhiên, qua nhiều năm sản xuất, thiết bị công nghệ trong các nhà máy đã lạc hậu, không còn bảo đảm về yếu tố môi trường.

Ông Trần Văn Long, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Vừa qua, một số đơn vị trong KCN Sông Công I như Công ty Kẽm điện phân, Công ty TNHH ECO KOREA, Công ty TNHH Hiệp Hương... đã xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ngay sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình; đồng thời phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường T.P Sông Công và các phường liên quan tiến hành kiểm tra, lấy mẫu quan trắc gửi Sở Tài nguyên - Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) để xử lý, phân tích các thông số. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp dừng ngay hoạt động xả khí thải trực tiếp ra môi trường, cải tạo và hoàn thiện hệ thống xử lý khí thải.

Từ thực tế cho thấy, việc xả khí thải, chất thải ra môi trường đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, một số doanh nghiệp trong KCN Sông Công I đang tiến hành xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải nhằm hạn chế thấp nhất lượng khí, chất thải ra môi trường. Đơn cử như Công ty CP Thép Toàn Thắng (Khu B, phường Bách Quang) đang đổi mới thiết bị một số công đoạn chính (từ 25 lò sấy thành dây chuyền thiêu kết băng tải 52m2; thay đổi 25 lò đứng hoàn nguyên 22m3/lò thành 1 lò 22m3 và đầu tư mới 1 lò đứng 200m3). Phần nấu luyện thép chuyển từ lò điện hồ quang sang lò thổi oxi. Nhìn chung, sau khi đầu tư thiết bị một số công đoạn chính của nhà máy luyện thép, xỉ giàu mangan... công suất chung của nhà máy không đổi (phôi thép là 150 nghìn tấn/năm, 220 nghìn tấn xỉ giàu mangan/năm, 110 nghìn tấn gang/năm), nhưng nguyên liệu đầu vào giảm đáng kể (than giảm gần 140 nghìn tấn/năm, điện năng giảm 99 triệu kWh/năm).

Bên cạnh đó, Công ty cũng thay toàn bộ công nghệ lọc bụi túi vải bằng lọc bụi dùng nước ventury, lắp đặt 1 lò đứng hoàn nguyên đi kèm hệ thống lọc bụi túi vải... Với công nghệ mới này, dự tính năng lượng tiêu hao giảm tới 94%, khí thải sẽ được xử lý một cách triệt để. Để thay đổi công nghệ xử lý môi trường, Công ty đã đầu tư 400 tỷ đồng để thay thế toàn bộ công nghệ cũ, lạc hậu.
Không chỉ có Công ty cổ phần Thép Toàn Thắng, hiện nay Công ty TNHH BJSTEEL (chuyên đúc các chi tiết máy trong máy xúc, cần cẩu, tàu hỏa...) ở phường Mỏ Chè cũng vừa đầu tư lắp đặt mới hệ thống hút bụi, khử mùi ngay tại cửa lò đúc và dây chuyền lọc bụi, xử lý khí thải sử dụng than hoạt tính để hút mùi thay thế cho hệ thống lọc bụi tay áo (dùng động cơ để hút bụi cát) đã giảm đáng kể lượng bụi và khí thải ra ngoài môi trường. Để đầu tư cho dây chuyền này, Công ty cũng đã đầu tư 12 tỷ đồng để xây dựng, lắp đặt. Ông Beak Seung Hun, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Công ty chúng tôi vẫn đang trong quá trình phát triển, vì vậy sẽ không tránh khỏi những sự cố gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện để Công ty có thời gian hoàn thiện dần công nghệ xử lý môi trường.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên - Môi trường T.P Sông Công, năm 2017, thành phố đã tiến hành kiểm tra và xử lý 5 trường hợp vi phạm về lĩnh vực môi trường với tổng số tiền phạt là 230 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Thế Anh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường: Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, Phòng đã phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, rà soát hồ sơ và làm việc với các đơn vị liên quan. Nhìn chung, sau khi tiến hành kiểm tra, các đơn vị đã cam kết khắc phục sự cố, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Nhiều năm nay, KCN Sông Công I đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư vào địa bàn; tạo việc làm và thu nhập cho người lao động... Việc phát triển KCN theo quy hoạch đã tránh được sự phát triển tự phát, phân tán, tiết kiệm được đất và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chất, khí thải công nghiệp gây ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý những sự cố môi trường ở các đơn vị trong KCN ngay khi sự cố mới phát sinh, nếu đơn vị nào cố tình không chấp hành các quy định về môi trường, cần có chế tài xử lý nghiêm, tránh tái phạm.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND T.P Sông Công cũng khẳng định: Thành phố không đổi môi trường lấy phát triển nóng. Để bảo vệ môi trường, Thành phố yêu cầu các đơn vị muốn đầu tư vào địa bàn phải có phương án bảo vệ môi trường thì mới được cấp phép đầu tư. Đồng thời, lựa chọn các dự án có công nghệ bảo vệ môi trường tiên tiến. Bên cạnh đó, Thành phố cũng công bố đường dây nóng để nhân dân cùng giám sát những sự cố về môi trường của các doanh nghiệp, từ đó cùng với thành phố kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con.: