Thông qua các đề án khuyến công địa phương, năm 2017, Thái Ngueyen đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) và hộ gia đình có những bước phát triển tích cực, hiệu quả. Từ đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nằm trong chương trình khuyến công địa phương năm 2017, hộ kinh doanh Dương Thị Thúy, ở xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh lựa chọn để hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị chế biến, bảo quản sản phẩm chè. Theo đó, số tiền hỗ trợ mua máy móc thiết bị là 100 triệu đồng, còn tiền gia đình đầu tư thêm là 327 triệu đồng. Chia sẻ về vấn đề này, chị Thúy cho rằng các loại máy móc không chỉ giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Nhờ đó, gia đình chị đã giảm được giá thành sản phẩm, thu hút thêm nhiều khách hàng, mở ra cơ hội trong phát triển thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, từ ngày có dàn máy móc hiện đại, cùng với việc sản xuất nhiều sản phẩm hơn, gia đình chị đã giải quyết việc làm cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt gần 4 triệu đồng/người/tháng. Sau khi dàn máy móc, thiết bị chế biến, bảo quản sản phẩm chè của gia đình chị đi vào hoạt động, nhiều cơ sở chế biến chè trong và ngoài T.P Thái Nguyên đã đến học tập và áp dụng công nghệ này vào sản xuất. Do vậy, đề án được đánh giá có tính bền vững cao...
Không riêng gia đình chị Dương Thị Thúy, trong năm 2017 còn rất nhiều DN, HTX, hộ gia đình cũng được hỗ trợ theo chương trình khuyến công địa phương của tỉnh. Đơn cử như Công ty CP May thời trang DG Việt Nam, ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất hàng may mặc với số tiền 195 triệu đồng, còn số vốn Công ty bỏ ra là trên 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX Chế biến và kinh doanh lâm sản Trà Thịnh, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) cũng được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của chương trình khuyến công địa phương. Trị giá của dàn máy móc, thiết bị sản xuất và gia công đồ gỗ là 440 triệu đồng, trong đó, chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng. Hoặc như Công ty CP Kim khí vật tư Thái Nguyên ở phường Bách Quang (T.P Sông Công), khi có dự định đầu tư mua máy móc thiết bị sản xuất và gia công cơ khí trị giá 620 triệu đồng, DN gặp khó khăn do thiếu kinh phí. Tuy nhiên, khi được chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ 140 triệu đồng, Công ty đã mạnh dạn đầu tư thêm 480 triệu đồng để “biến” dự định thành hiện thực.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trên đây chỉ là 4 trong 16 đề án khuyến công địa phương được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên triển khai trong năm 2017. Với phương châm hướng đến các đơn vị sản xuất còn gặp khó khăn về nguồn vốn song mô hình sản xuất có tính khả thi, mang lại hiệu quả, trên 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến công địa phương trong năm 2017 của tỉnh đã được phân bổ theo tiêu chí đồng đều giữa các địa phương và có đầy đủ hồ sơ xác nhận theo tiêu chí quy định. Trong quá trình thực hiện, nguồn vốn được giải ngân kịp thời đến các đơn vị sản xuất. Thông qua hoạt động khuyến công đã tạo nền tảng ban đầu cho các DN, HTX, hộ gia đình hướng đến những giá trị bền vững, đồng thời góp phần tạo nên thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương, nhất là thương hiệu sản phẩm chè, đồ gỗ gia dụng, gạch không nung, hàng may mặc…
Có thể khẳng định, trong năm 2017, công tác khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động hiệu quả, tháo gỡ một phần khó khăn cho nhiều DN, HTX và hộ dân cũng như thu hút tốt nguồn vốn đối ứng; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm ổn định cho lao động địa phương… Do đó, để phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị tiếp tục tư vấn, hướng dẫn để hỗ trợ một phần kinh phí theo chương trình khuyến công địa phương nhằm khuyến khích kịp thời các cơ sở, DN đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mới được thành lập có nhiều khả thi để tạo điều kiện cho DN hay cơ sở sản xuất có thêm điều kiện thuận lợi phát triển, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động.
Cùng với đó, Trung tâm sẽ tiếp tục làm tốt việc phổ biến các chính sách hỗ trợ theo chương trình khuyến công địa phương, qua đó giúp cho các cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh trong tỉnh nắm bắt và tiếp cận được nguồn vốn một cách hiệu quả nhất. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm sẽ đôn đốc để các cơ sở, DN hoàn thành các nội dung theo đề án và giải ngân đúng nội dung và tiến độ đề ra, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển…