Thấy gì từ hoạt động xuất nhập khẩu?

09:32, 27/01/2018

Nếu như năm 2013, toàn tỉnh mới có 54 doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) thì đến hết năm 2017, con số này đã tăng lên gấp 10 lần. Tỷ lệ thuận với sự gia tăng về DN, số lượng tờ khai hải quan, kim ngạch XNK và thu ngân sách từ hoạt động này qua Chi cục Hải quan Thái Nguyên cũng tăng gấp nhiều lần, đưa tỉnh ta trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giá trị xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, xung quanh hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đặt ra những vấn đề đáng quan tâm.

Khẳng định vị thế tốp đầu

Đầu năm 2013, Thái Nguyên chỉ đứng ở vị trí thứ 44/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã có 130 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 7,4 tỷ USD (tương đương khoảng 166.000 tỷ đồng), vươn lên đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố có vốn FDI trong cả nước. Theo ông Dương Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Nguyên: Trước năm 2013, hầu hết các DN làm thủ tục và nộp thuế XNK tại Chi cục đều là DN trong nước. Nhưng từ cuối năm 2013 trở lại đây - kể từ khi Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (viết tắt là Công ty Samsung) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Thái Nguyên - số DN FDI đến làm thủ tục và nộp thuế XNK tại Chi cục đã tăng lên đáng kể. Bởi đồng hành cùng Công ty Samsung là một loạt các DN vệ tinh chuyên cung cấp nguyên liệu và bán thành phẩm cho Công ty. Đến nay đã có nhiều DN đi vào hoạt động ổn định, một số khác đang thực hiện dự án đầu tư hoặc mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó tạo ra năng lực sản xuất trên địa bàn tỉnh tăng cao, là đòn bẩy tạo đà tăng trưởng đột phá cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là nhóm sản xuất sản phẩm điện tử, viễn thông, chế biến khoáng sản sau khai thác…

Chỉ tính riêng năm 2017, số lượng tờ khai XNK tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên đã lên tới hơn 256.000 tờ, tăng gấp 18 lần; kim ngạch XNK đạt 48,8 tỷ USD, tăng gấp 57,8 lần; số thu ngân sách từ hoạt động XNK đạt 2.718 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần (so với năm 2013). Đã có 550 DN thực hiện đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên (gấp 10 lần so với năm 2013, gấp hơn 2 lần so với cuối năm 2016), trong đó có 150 DN nộp thuế (còn lại là các DN XNK hàng hóa thuộc diện không chịu thuế). Qua các số liệu trên phần nào cho thấy, hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, đặc biệt là năm 2017 có chiều hướng gia tăng đáng kể. Cũng bởi sự gia tăng này nên giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2017 đã đạt tới 514.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2016, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lên tới 92%, còn lại là công nghiệp trong nước.

Có thể nói, những lợi ích mang lại từ hoạt động của các DN XNK, đặc biệt là DN FDI là rất lớn, bởi kéo theo đó còn là vấn đề giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động; phát triển các hoạt động thương mại - dịch vụ khu vực các khu công nghiệp…

Những nguy cơ rủi ro cần lường trước

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng không tránh khỏi những băn khoăn, lo ngại xung quanh việc XNK nhiều mặt hàng hiện nay của tỉnh, đặc biệt là việc nhập khẩu các loại hóa chất, bởi hoạt động này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nếu việc kiểm tra, giám sát không tốt sẽ rất dễ để lọt vào nội địa những loại hóa chất độc hại, trong đó không loại trừ khả năng có loại dùng để điều chế ma túy tổng hợp. Ngoài ra, ngay cả những loại hóa chất nằm trong danh sách được nhập để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, nếu việc kiểm soát thiếu chặt chẽ của cơ quan Hải quan cũng rất dễ bị lợi dụng để sử dụng vào mục đích khác hoặc sau khi đã phục vụ cho sản xuất nhưng lại không được xử lý một cách triệt để cũng dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Do đó, rất cần sự vào cuộc và phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

Trước những rủi ro có thể xảy ra, theo ông Dương Minh Đức, về phía Chi cục Hải quan Thái Nguyên - Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu thời gian qua luôn chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa XNK. Trong đó, đẩy mạnh việc kiểm tra sau thông quan và qua báo cáo quyết toán của DN, nhất là DN có hoạt động sản xuất xuất khẩu, gia công, DN chế xuất thông qua kỹ thuật quản lý rủi ro của Ngành. Qua đó đánh giá được việc sử dụng nguyên liệu của DN. Cùng với đó, Chi cục Hải quan Thái Nguyên cũng thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh và hệ thống ngành dọc cập nhập thường xuyên các thông tin có liên quan về các DN nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm cũng như để bổ sung thông tin vào hệ thống quản lý rủi ro, phục vụ cho việc tra cứu, phân luồng tờ khai, đánh giá mức độ tuân thủ, chấp hành pháp luật của DN, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý cũng như kiểm tra cho phù hợp.

Có thể nói, những đóng góp của các DN nói chung, DN FDI nói riêng trên địa bàn tỉnh những năm qua là rất lớn và có ý nghĩa về nhiều mặt. Dù vậy, trước những tiềm ẩn rủi ro có thể xảy ra đối với xã hội và đời sống của người dân thì việc tăng cường các biện pháp trong quản lý của các sở, ngành, đơn vị liên quan đối với hoạt động XNK của các DN, nhất là việc nhập khẩu và sử dụng các loại hóa chất là điều hết sức cần thiết và cần được quan tâm một cách thỏa đáng. Qua đó nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, đồng thời không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội.