CPTPP tác động thế nào đến ngành Thép?

09:47, 27/03/2018

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết với 11 nước thành viên. CPTPP có tác động lớn đến nhiều ngành kinh tế chủ lực của đất nước, trong đó có ngành Thép và Cơ khí. Là địa phương có thế mạnh về sản xuất gang thép và cơ khí, các doanh nghiệp (DN) Thái Nguyên đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, CPTPP có những tác động tích cực đối với các DN ngành Thép. Trước tiên, các nước trong nhóm CPTPP từ trước đến nay đều cho thấy nhu cầu nhập khẩu thép thành phẩm chiếm tỉ trọng lớn toàn cầu. Do đó, thép của chúng ta có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường này để tăng kim ngạch xuất khẩu. Mặt khác, chúng ta cũng hoàn toàn có thể nhập khẩu nguyên liệu, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất thép tiên tiến từ các nước thành viên. Thép Thái Nguyên thời gian qua xuất khẩu chưa nhiều vì chưa có thị trường tương thích, trong khi đó việc nhập khẩu thép cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, khi CPTPP được ký kết sẽ mở ra khả năng tạo đột biến cho các sản phẩm thép của tỉnh.

Cùng với đó, điều mà các DN ngành Thép trong nước nói chung, trong đó có Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đặc biệt quan tâm chính là hàng rào thuế quan đối với ngành Thép được dỡ bỏ, giúp các DN dễ thở hơn khi tham gia thị trường xuất khẩu. Được biết, theo quy hoạch ngành thép của tỉnh, tới đây sản lượng thép sẽ đạt trên 1 triệu tấn. Với sản lượng này có thể đáp ứng phần nào yêu cầu về hội nhập, ít nhất là khả năng cung ứng.

Ngoài những tác động tích cực, CPTPP còn mang tới những thách thức đáng ngại cho ngành Thép trong nước. Theo các chuyên gia kinh tế thì thách thức lớn nhất ở đây chính là đối với khu vực thép xây dựng. Với Thái Nguyên, chúng ta đều biết sản phẩm thép của các DN chủ yếu là thép xây dựng, trong đó Công ty CP Gang thép Thái Nguyên chiếm số lượng lớn nhất, tiếp đến là các DN như: Công ty Liên doanh Thép Việt - Sing, Công ty CP Cán thép Thái Trung, Công ty CP Cán thép Thái Nguyên, Nhà máy Thép Trường Sơn, Công ty CP Thép Toàn Thắng.... Do đặc thù công nghệ chế biến của chúng ta còn lạc hậu nên các DN ngành Thép đều tập trung cho thép xây dựng mà chưa dịch chuyển sang lĩnh vực thép tấm, thép cơ khí chế tạo. Đây là điểm hạn chế của các DN thép trong tỉnh trước cánh cửa hội nhập. Theo báo cáo của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, mỗi năm đơn vị này sản xuất gần trên 700 nghìn tấn thép các loại, trên 400 nghìn tấn phôi thép, gần 200 nghìn tấn gang lò cao…, nhưng chủ yếu vẫn để phục vụ sản xuất thép xây dựng. Và thực tế, thép của chúng ta chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.

CPTPP là cơ hội lớn đối với các DN. Điều đó hẳn nhiên các DN đều hiểu. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, đòi hỏi các DN ngoài nghiên cứu, nắm bắt các nội dung, quy tắc khi tham gia Hiệp định, còn phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu vốn rất khó tính này. Chất lượng sản phẩm thép của chúng ta nếu cạnh tranh nội địa thì tạm ổn nhưng ra thị trường thế giới vẫn bị lép vế. Trong khi đó, chi phí để làm ra sản phẩm thép của chúng ta luôn cao hơn các bạn do bộ máy sản xuất của chúng ta cồng kềnh, chi phí chung gian lớn. Chúng ta đều biết, khi tham gia sân chơi chung, sự bình đẳng và cạnh tranh sòng phẳng là yếu tố sống còn. Nếu chỉ đưa ra các sản phẩm thường thường, thiếu hàm lượng công nghệ, không rõ ràng về năng suất lao động và bảo vệ môi trường thì sản phẩm đó sẽ bị đào thải, giá trị gia tăng và giá trị sản phẩm sẽ rất thấp.

Song song với thép xây dựng, chúng ta có thế mạnh về ngành cơ khí. Theo CPTTP, cơ khí cũng là ngành có lợi thế khi tham gia sân chợi này. Chúng ta hiện đang có một số DN cơ khí có uy tín đang hoat động ổn định như: Công ty CP Phụ tùng máy số 1, Công ty TNHH Nhà nước MTV Diesel Sông Công, Công ty CP Cơ khí mỏ Việt Bắc, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên… Những DN này đang sở hữu các dây chuyền công nghệ tương đối tiên tiến, có thể đáp ứng yêu cầu của các hãng lắp ráp động cơ lớn trong khu vực. Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ một khi các DN chính thức tham gia sân chơi CPTTP. Đây là nhận định chung cho ngành Cơ khí cả nước chứ không riêng gì Thái Nguyên. Các chuyên gia nhận định, tới đây cơ khí của chúng ta sẽ hoặc là tiếp tục gia công cho các DN lớn của các nước trong khối hoặc liên kết để tham gia chuỗi giá trị của các DN tiên tiến hơn.

Qua đây có thể thấy, TPP trước đây hay CPTPP hiện tại thì vấn đề cốt lõi vẫn là khả năng thích ứng và tham gia sòng phẳng của từng DN. Sân chơi chung bình đẳng này không có chỗ dành cho những sản phẩm thiếu chất lượng hoặc không minh bạch về nguồn gốc và hàm lượng công nghệ.