Theo kết quả công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2017 của Thái Nguyên mặc dù tăng hơn 2,63 điểm so với năm 2016 nhưng lại bị tụt tới 8 bậc về vị trí xếp hạng (từ thứ 7 xuống thứ 15). Thực tế này đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp cần nỗ lực hơn nữa trong việc thay đổi, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, lấy lại thứ hạng trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Có 10 chỉ số thành phần PCI và ở mỗi chỉ số, đều có nhiều tiêu chí khác nhau được đưa ra để tính điểm. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đi vào phân tích toàn bộ các chỉ số đó mà chỉ tập trung đề cập đến một chỉ số có số điểm giảm lớn nhất trong năm qua và cũng là thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, đó là chỉ số gia nhập thị trường, để qua đó giúp chúng ta có cái nhìn khách quan, đầy đủ hơn về chất lượng điều hành ở những nội dung, lĩnh vực có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Gia nhập thị trường vốn là chỉ số dẫn đầu về điểm số thì năm 2017 lại giảm tới 1,35 điểm (từ 8,62 điểm năm 2016 xuống còn 7,27 điểm). Gia nhập thị trường là gì và có ý nghĩa như thế nào trong đánh giá PCI của các địa phương? Đây là chỉ số được xây dựng nhằm đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các DN mới thành lập giữa các tỉnh với nhau. Các chỉ tiêu cụ thể gồm: Thời gian đăng ký DN (số ngày); thời gian thay đổi nội dung đăng ký DN; tỷ lệ (%) DN cần thêm giấy phép kinh doanh khác; tổng số giấy đăng ký và giấy phép cần thiết để chính thức hoạt động; thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục tại bộ phận một cửa có được niêm yết công khai; hướng dẫn về thủ tục tại bộ phận một cửa có rõ ràng, đầy đủ; cán bộ tại bộ phận một cửa có am hiểu về chuyên môn, có nhiệt tình, thân thiện? có ứng dụng tốt công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa…
Phân tích cụ thể chỉ số này, ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hội DN T.P Thái Nguyên chia sẻ: Thực tế cho thấy, các DN không phải cứ được cấp giấy phép kinh doanh là có thể gia nhập thị trường, hay nói cách khác là đi vào hoạt động ngay được, mà còn cần rất nhiều yếu tố khác, như: mặt bằng (đất đai), giấy phép xây dựng, hóa đơn thuế, chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, rồi theo từng ngành, nghề kinh doanh sẽ phải có thêm giấy chứng nhận của sở, ngành chủ quản, như giao thông vận tải, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đối với những DN thành lập mới hoặc có quy mô nhỏ, siêu nhỏ thì bước đầu làm thủ tục cái gì cũng thấy thiếu, thấy khó, rất cần được quan tâm, hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Trong khi đó, việc hỗ trợ này từ chính quyền và các sở, ngành chức năng vẫn còn nhiều hạn chế, do có một tỷ lệ không nhỏ cán bộ làm trực tiếp chưa tinh thông nghiệp vụ, điều này khiến DN phải tự mò mẫm, tìm hiểu. Ông Quang cho rằng, khó khăn lớn nhất mà hầu hết các DN lâu nay gặp phải chính là tốn quá nhiều thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng.
Có chung nhiều nhận xét với ông Phạm Văn Quang, ông Lương Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty CP Thương mại, Vận tải và Du lịch Khánh Thịnh cho rằng với việc PCI được công bố hàng năm đã giúp cấp ủy, chính quyền các cấp thấy được những hạn chế, thậm chí là yếu kém, để đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời và cộng đồng DN vì thế cũng được quan tâm, tạo điều kiện ngày càng tốt hơn. Qua thực tế tiếp xúc, làm việc, ông Thưởng cho rằng, đáng quan tâm nhất hiện nay là đội ngũ công chức cấp xã, tuy đã có những thay đổi tích cực trong giải quyết công việc, nhưng đây vẫn là lực lượng có chất lượng giải quyết công việc kém nhất, cả về trình độ lẫn thái độ phục vụ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh: Chỉ tiêu gia nhập thị trường giảm điểm mạnh, phản ánh những khó khăn của DN khi gia nhập thị trường. Những trở ngại lớn nhất thường là quy trình thủ tục trong giai đoạn mua hóa đơn VAT, xin cấp phép xây dựng và mở rộng địa điểm kinh doanh, cũng như chi phí tuân thủ cho việc cập nhật hồ sơ và thời gian tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Từ những hạn chế, khó khăn được chỉ ra, đại diện lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh, Hiệp hội DNNVV tỉnh đều cho rằng tỉnh cần sớm thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công và tăng cường kiểm tra, giám sát hơn nữa đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; xử lý nghiêm đối với những trường hợp không làm tròn trách nhiệm, có thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà. Cùng với đó là mạnh dạn đề ra những cách làm sáng tạo, có tính đột phá; quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn đối với DNNVV, những DN mới đi vào hoạt động và những DN đang gặp khó khăn.
Nói về những giải pháp trong thời gian tới, ông Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PCI tỉnh cho rằng, trước sự ganh đua mạnh mẽ giữa các địa phương trong năm qua đặt ra cho tỉnh ta cần phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để cải thiện vị trí thứ hạng trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Tỉnh sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp khắc phục những chỉ số thành phần tụt điểm, có điểm số đạt thấp, đồng thời phát huy những chỉ số có điểm số tăng. Liên quan đến sở, ngành, lĩnh vực nào, tỉnh sẽ chỉ đạo sát sao để sở, ngành, đơn vị đó phải có những thay đổi, nâng chất lượng hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ. Để làm được điều này, rất cần sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như của mỗi người dân và cộng đồng DN.