Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) huyện Đại Từ liên tục tăng. Riêng năm 2017, giá trị này đạt gần 9.200 tỷ đồng, tăng 20,64% so với cùng kỳ năm 2016, cao nhất từ trước tới nay. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đại Từ, cho biết: Giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện năm qua tăng tới 20,64% so với năm trước là nhờ 2 yếu tố thành phần là: Giá trị sản xuất CN-TTCN địa phương và giá trị sản xuất CN-TTCN có vốn đầu tư nước ngoài đều tăng đáng kể. Trong đó, giá trị CN- TTCN địa phương tăng mạnh nhất, đạt gần 5.620 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do năm 2017, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đều kinh doanh có hiệu quả, duy trì nhịp độ tăng trưởng cao. Cùng với đó, ngày càng có nhiều đơn vị tham gia hoạt động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài ra, năm vừa qua có 2 đơn vị là Nhà máy Nhiệt điện An Khánh và Nhà máy may TNG Đại Từ tính sản lượng về huyện thay vì trước đó tính về tỉnh, góp thêm 700 tỷ đồng vào giá trị sản xuất CN-TTCN địa phương.
Một thành phần khác tăng trưởng mạnh là lĩnh vực sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị đạt gần 2.670 tỷ đồng, tăng 24,59% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù trên địa bàn huyện chỉ có 1 dự án sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck, song hoạt động sản xuất của khu vực này đã đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp chung của huyện (chiếm 29,05% giá trị sản xuất toàn ngành). Trong khi đó, năm 2017 là năm tăng trưởng mạnh của Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck bởi giá vonfram trên thị trường tăng cao, trong khi nguồn cung của doanh nghiệp này khá dồi dào.
Bên cạnh 2 yếu tố kể trên thì cấu thành giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện còn là giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương. Năm 2017, duy nhất giá trị này giảm 7,2% so với năm trước, đạt gần 882 tỷ đồng. Mặc dù vậy, giá trị này nhỏ chỉ chiếm chưa tới 10% tổng giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện nên không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. Sở dĩ giá trị sản xuất công nghiệp trung ương có sự sụt giảm, bởi lẽ, năm vừa qua, thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp Trung ương đứng chân trên địa bàn là: Công ty Than Núi Hồng, Công ty CP Cơ khí mỏ Việt Bắc và Công ty CP Xi măng Quán Triều gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản lượng, giá trị sản xuất của đơn vị.
Ngoài những doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện Đại Từ cũng có sự phát triển, tăng trưởng so với năm trước. Số lượng cơ sở sản xuất đã tăng từ hơn 2.000 cơ sở (năm 2011) lên hơn 2.600 cơ sở (năm 2017), góp phần giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động với thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng. Những đơn vị này hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau, như: chế biến chè (năm 2017 đạt 11,45 nghìn tấn); đồ mộc sản xuất (đạt 8,6 nghìn sản phẩm); gia công cơ khí (đạt 115 nghìn sản phẩm); sản phẩm may mặc (đạt 47 triệu sản phẩm); gạch không nung (đạt 86,6 triệu viên). Các sản phẩm trên có mức tăng trung bình từ 11-12% so với năm 2016. Anh Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hùng Thái, ở tổ dân phố An Long, thị trấn Hùng Sơn, cho biết: Công ty chúng tôi đã đầu tư dây chuyền sản xuất tương đối hoàn thiện với khoảng 20 loại máy khác nhau. Tổng giá trị máy móc đạt gần 5 tỷ đồng. Các sản phẩm của Công ty đã có mặt tại nhiều siêu thị trên cả nước như: BigC, Vinmart, Co.opmart, Qmart…, tập trung nhiều nhất là thị trường miền Trung và miền Nam.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sở dĩ giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện đạt được kết quả khả quan như vậy chủ yếu là do có giá trị tăng thêm của một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, sự tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp chủ chốt trên địa bàn. Tuy nhiên, để có được điều này thì sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, trong đó có chính quyền các cấp huyện Đại Từ là rất đáng kể. Những năm qua, huyện đã chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, cải cách hành chính, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư. Việc giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” được thực hiện khá tốt, môi trường đầu tư, hạ tầng kỹ thuật từng bước được cải thiện.
Ông Nguyễn Minh Thế, Giám đốc Công ty TNHH Song Vũ Minh Thế, ở xã Tiên Hội, cho biết: Khi thành lập vào đầu năm 2017, Công ty chúng tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Không những thế, Công ty còn được nhận hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công địa phương để đầu tư dàn máy sản xuất cửa nhựa lõi thép với tổng trị giá trên 200 triệu đồng. Từ đó, hoạt động sản xuất của Công ty hiệu quả hơn. Dù mới thành lập nhưng năm 2017, doanh thu của Công ty đã đạt 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân đạt 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy rằng, hoạt động sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện Đại Từ đã đạt được những kết quả rất khả quan. Kết quả này có sự chung tay, góp sức không nhỏ của chính quyền, cơ quan chức năng các cấp. Để nâng cao giá trị sản xuất CN-TTCN, thời gian tới huyện Đại Từ đề ra kế hoạch sẽ tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp của các cấp, ngành trong tổ chức thực hiện các giải pháp trong Đề án phát triển CN-TTCN, giai đoạn 2016-2020; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính nhà nước; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích các cơ sở sản xuất tập trung vốn đổi mới thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Năm 2018, huyện đề ra chỉ tiêu phấn đấu tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.078 tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp Trung ương đạt 897 tỷ đồng, công nghiệp địa phương đạt 6.405 tỷ đồng, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.776 tỷ đồng.