Các loại sản phẩm công nghiệp hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm trước; nhiều doanh nghiệp (DN) duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng ổn định; cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực… Đó là những tín hiệu khởi sắc đối với lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý I năm nay.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong quý I, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh ước đạt 137,6 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3% kế hoạch năm và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp nhiều nhất vào giá trị SXCN là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (với trên 128 nghìn tỷ đồng), tiếp đến là công nghiệp địa phương (ước đạt 5 nghìn tỷ đồng) và công nghiệp Nhà nước Trung ương (ước đạt 4,1 nghìn tỷ đồng). Cùng với đó, cơ cấu công nghiệp trên địa bàn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương của tỉnh về việc từng bước chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, trong quý I năm nay, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng cao nhất (12,5%); tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước (7,5%); ngành cung cấp nước, quản lý, xử lý rác thải, nước thải (8,8%) và thấp nhất là công nghiệp khai khoáng (4,6%).
Cũng trong quý I, hầu hết các mặt hàng công nghiệp chủ yếu trên địa bàn tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó đứng đầu là nhóm mặt hàng thuộc ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo. Dẫn đầu nhóm mặt hàng này là các sản phẩm mạch điện tử tích hợp và linh kiện điện thoại, trong đó đóng góp chủ yếu từ sản phẩm điện thoại, máy tính bảng của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) và hàng chục nhà máy phụ trợ sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử cho SEVT. Cụ thể, trong quý I, SEVT đã sản xuất được hơn 27 triệu sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đạt giá trị trên 4,48 tỷ USD. Nếu so sánh với khu vực cöng nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì công nghiệp nội địa trên địa bàn tỉnh đạt giá trị thấp hơn nhiều. Song, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong quý I, công nghiệp địa phương cũng đạt được những kết khả quan nhất định. Cụ thể, giá trị SXCN nội địa ước đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có nhiều DN đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng giá trị SXCN và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Công ty CP Nhiệt điện An Khánh... Ngoài ra, từ đầu năm nay, nhiều DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh cũng đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị phát triển sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo.
Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty CP Đúc Thái Nguyên, ở xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) cho biết: Cuối năm 2017, Công ty đã đầu tư một dây chuyền sản xuất đúc cát Furan với kinh phí 12 tỷ đồng. Từ việc đầu tư công nghệ mới này, sản phẩm của Công ty có thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng đối với thị trường nước ngoài. Theo đó, năm 2018, Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu 2,8 nghìn tấn sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc, nâng tổng kế hoạch sản xuất của Công ty lên 4,6 nghìn tấn sản phẩm/năm (tăng 15% so với năm 2017). Tương tự, bước sang năm nay, DN tư nhân cơ khí Tân Lập (phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên), Công ty TNHH sản xuất cầu trục và kết cấu công nghiệp (phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên)… cũng tăng công suất hoạt động từ 15%-20%. Anh Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cầu trục và Kết cấu công nghiệp cho biết: Năm nay, Công ty phấn đấu đạt doanh thu 100 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2017). Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc đầu tư thêm máy móc phục vụ sản xuất cầu trục và thiết bị nâng hạ, đơn vị còn thực hiện mở rộng lĩnh vực thiết kế, thi công lắp đặt các công trình kết cấu khung thép, nhà tiền chế và dàn không gian - một trong lĩnh vực sản xuất còn khá mới trên địa bàn tỉnh hiện nay. Ngoài các sản phẩm chế tạo, chế biến thì sản phẩm công nghiệp nội địa như điện thương phẩm, đá khai thác, nước máy thương phẩm, sản phẩm may… cũng tăng từ 5-10% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Mặc dù tiến độ sản xuất của các DN bị gián đoạn bởi thời gian nghỉ Tết nhưng các đơn vị vẫn chủ động sản xuất và cơ bản bảo đảm thực hiện kế hoạch ngay từ đầu năm. Thêm vào đó, tình hình kinh tế trong nước diễn biến theo chiều hướng tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi... Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát giá cả hàng hoá, dịch vụ,tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính; từng bước tạo điều kiện cho các DN giảm bớt khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ đó, ngành công nghiệp đã thu được những kết quả khả quan ngay từ đầu năm.
Năm 2018, Thái Nguyên phấn đấu đạt giá trị SXCN trên 645 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp địa phương với mức tăng 11,8%. Vì thế, ngoài thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất đối với các nhà máy có đóng góp lớn trên địa bàn; thường xuyên rà soát, điều chỉnh xây dựng các chính sách ưu đãi, tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp thì còn chú trọng đến việc phát triển các cụm công nghiệp nông thôn, cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; khuyến khích thành lập hiệp hội nghề nghiệp; tăng cường các hoạt động thương mại, xúc tiến đầu tư như chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; đồng thời quan tâm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong việc tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, thông tin về môi trường đầu tư…
Có thể nhận thấy, với kết quả khả quan trong những tháng đầu năm sẽ là tiền đề để ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng tốc thời gian tới, từ đó hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm nay.