Thời gian qua, T.P Thái Nguyên thu hút được nguồn vốn khá lớn từ các nhà đầu tư (NĐT) để thực hiện các dự án. Riêng trong 2 năm (2016, 2017) đã thu hút trên 28.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị. Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, hiện thành phố có 5 trung tâm thương mại hiện đại; 21 siêu thị; Tập đoàn VINGROUP (một tập đoàn đầu tư chiến lược) cũng đầu tư vào Tổ hợp Trung tâm thương mại Vincom Plaza tại phường Đồng Quang trị giá trên 500 tỷ đồng…
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư nhận định, công tác thu hút đầu tư (THĐT) trên địa bàn thành phố chưa thực sự bài bản, chưa mang tầm chiến lược, còn thụ động, việc THĐT thời gian qua chủ yếu vẫn do NĐT tự tìm hiểu, đăng ký đầu tư nên nhiều NĐT chưa hiểu hết và chưa thấy rõ tiềm năng, lợi thế của thành phố. Những năm qua, các NĐT chủ yếu quan tâm nhiều đến lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch. Còn đối với một số lĩnh vực khác như: nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao thì các NĐT vẫn còn e ngại…
Với mong muốn cải thiện môi trường đầu tư cũng như thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc đề xuất danh sách các dự án mời gọi đầu tư, T.P Thái Nguyên đã đề xuất mời gọi đầu tư vào 7 lĩnh vực, với tổng số 41 dự án, trong đó: Lĩnh vực công nghiệp 3 dự án; thương mại dịch vụ 8 dự án; hạ tầng giao thông, đô thị 8 dự án; nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao 7 dự án; dịch vụ y tế 3 dự án; lĩnh vực giáo dục 4 dự án; lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch 8 dự án.
Ông Nguyễn Hoàng Mác, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên thông tin: Việc đề xuất danh sách các dự án mời gọi đầu tư nêu trên đã được T.P Thái Nguyên nghiên cứu rất kỹ, một mặt tranh thủ ý kiến của các NĐT tiềm năng trong và ngoài tỉnh, mặt khác tranh thủ ý kiến của Thường trực Thành ủy cũng như các phòng, ban chức năng của thành phố. Hiện nay, trong tổng số 41 dự án được đề xuất mời gọi đầu tư đến thời điểm này đã có 12 dự án được NĐT tiềm lực đăng ký đầu tư, 29 dự án còn lại đang tiếp tục mời gọi đầu tư.
Theo danh sách các dự án được đề xuất đầu tư trên địa bàn, dễ dàng nhận thấy thành phố không mời gọi đầu tư dàn trải,mà có chủ trương mời gọi đầu tư vào những dự án đầu tư chiến lược, hiệu quả. Chẳng hạn, đối với dự án trung tâm thương mại đều có quy mô 7 tầng trở lên; dự án đầu tư cho Giáo dục - Đào tạo đều là những trường chất lượng cao hoặc đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế; phát triển công nghiệp đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường… Trong quá trình mời gọi đầu tư, thành phố cũng cương quyết không chấp nhận những nhà đầu tư thiếu năng lực về tài chính, không tuân thủ chấp hành các quy định về Luật Đầu tư.
Để tạo môi trường thuận lợi cho các NĐT đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, T.P Thái Nguyên cũng cam kết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đồng hành tháo gỡ khó khăn cho các NĐT khi gặp khó khăn trong triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng… Một ví dụ trong việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng giúp NĐT của thành phố thời gian qua là tại Dự án Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao,T.P Thái Nguyên đã ứng trên 20 tỷ đồng để giải phóng xong mặt bằng tại khu vực phường Đồng Bẩm sau đó mới mời gọi Công ty TNHH Hồng Hưng vào đầu tư dự án.
Có thể thấy, với quyết tâm của chính quyền T.P Thái Nguyên trong cải thiện môi trường đầu tư và sự tỏ rõ quan điểm, định hướng đầu tư, T.P Thái Nguyên đang tạo ra “luồng gió mới” trong THĐT. Hy vọng rằng với sự nỗ lực của T.P Thái Nguyên, trong thời gian tới trên địa bàn thành phố tiếp tục có những NĐT uy tín, chất lượng đến tìm hiểu đầu tư vào địa bàn.