Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo

09:03, 08/05/2018

Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2015-2020 xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp (CN), trong đó chú trọng phát triển CN chế biến, chế tạo. Những năm qua, việc thu hút đầu tư đối với ngành CN này đã đạt nhiều kết quả khả quan, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

Hiện nay, toàn tỉnh có 128 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 7,2 tỷ USD. Trong đó có 103 dự án thuộc CN chế biến, chế tạo, chiếm 80,5% tổng số dự án FDI. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2018, CN chế biến, chế tạo đã thu hút thêm được 3 dự án với tổng vốn đăng ký 13 triệu USD; 7 dự án đầu tư thêm vốn với tổng vốn 21 triệu USD. Kết quả này cho thấy CN chế biến, chế tạo đang dẫn đầu trong các ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh, nhất là đối với các dự án FDI hiện nay.

Nhắc đến thu hút đầu tư vào CN chế biến, chế tạo, đầu tiên phải kể đến Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với số vốn đăng ký 5 tỷ USD. Sau khi Tập đoàn này đầu tư vào tỉnh đã thu hút hơn 70 nhà đầu tư phụ trợ cho Samsung tại Khu CN Yên Bình (Phổ Yên) và trên 30 dự án FDI phụ trợ với tổng vốn đăng ký gần 600 triệu USD tại Khu CN Điềm Thụy (Phú Bình). Trong đó 90% các công ty phụ trợ có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và hoạt động sản xuất chính là chế tạo linh kiện điện tử (tai nghe, màn hình điện thoại, dây sạc…).

Ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Lợi thế của chúng ta trong thu hút đầu tư CN chế tạo, chế biến hiện nay là sự có mặt của Samsung - nhà đầu tư lớn, uy tín bậc nhất toàn cầu. Samsung hiện được ví như “đòn bẩy” trong thu hút thêm các dự án, doanh nghiệp phụ trợ, vệ tinh cho chính đơn vị này, nhất là đối với doanh nghiệp FDI. Là đơn vị phụ trợ cho Samsung, ông Ham Sang Hun, Giám đốc Công ty Emtec Vina TN (Khu CN Điềm Thụy) cho biết: Với một tập đoàn lớn như Samsung khi quyết định đầu tư có nghĩa là các điều kiện về chính sách, cơ sở hạ tầng và hoạt động giao thương của tỉnh Thái Nguyên phải khá tốt trở lên. Do đó, Công ty chúng tôi cũng mạnh dạn đầu tư tại Khu CN Điềm Thụy để tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất của Samsung. Thực tế nhiều năm hoạt động cho thấy, không chỉ cơ sở hạ tầng tốt mà chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ phía Ban Quản lý các Khu Công nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy cấp phép cho người nước ngoài hoạt động…

Có thể thấy, việc quan tâm thu hút đầu tư CN chế biến, chế tạo cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về thủ tục hành chính đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp FDI vào tỉnh ta thời gian qua. Từ đó đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất CN của toàn tỉnh. Tính riêng quý I/2018, giá trị sản xuất CN của các doanh nghiệp FDI đạt trên 128 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 90% tổng giá trị sản xuất CN. Trong đó, CN chế biến, chế tạo tăng cao nhất 12,5% và dẫn đầu là các sản phẩm điện tử (tai nghe, mạch điện tử tích hợp).

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này, việc thu hút đầu tư đối với ngành CN của tỉnh thời gian qua vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể là nhiều cụm CN hiện vẫn chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng; năng lực sản xuất, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo nội địa chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI khi muốn tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất; thiếu các cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm CN đối với các nhà đầu tư hiện nay… Để khắc phục phần nào những khó khăn này, ông Chu Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Tỉnh đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng vào khu, cụm CN. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Toàn tỉnh cũng đã quy hoạch 35 cụm CN và 6 khu CN. Đối với cụm CN, hiện có 19 cụm CN đi vào hoạt động với diện tích 772,5ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 39,2%. Còn đối với khu CN, có 4/6 khu CN đi vào hoạt động với 184 dự án đầu tư vào khu CN. Trong đó, Khu CN Sông Công II (T.P Sông Công) đang được đầu tư cơ sở hạ tầng, đường nối Khu CN với Quốc lộ 3 cũ. Đây là Khu CN giúp kết nối thuận tiện với Khu CN Yên Bình (Phổ Yên). Trước thực trạng này, để tăng tỷ lệ lấp đầy vào các khu, cụm CN, tỉnh đang tiếp tục kêu gọi các dự án hỗ trợ ứng dụng CN cao, công nghệ thông tin, điện tử vi mạch bán dẫn, chế tạo máy, gia công kim loại và cơ khí lắp đặt… vào các khu, cụm CN nói trên; đồng thời, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, đáp ứng các ngành CN chế tạo, CN điện tử - tin học và cơ khí…

Với những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư đối với CN nói chung và CN chế biến, chế tạo nói riêng đây sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh ta tiếp tục thu hút đầu tư trong thời gian tới, sớm đưa tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại trước năm 2020.