Công nghiệp Thái Nguyên - Điểm nhấn trong phát triển kinh tế

11:15, 18/10/2020

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2016-2020, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và toàn Đảng bộ, sự chung sức đồng lòng của doanh nghiệp và người dân, 19/19 chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết đều đạt và vượt mục tiêu, trong đó có 14/19 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, trong số này, công nghiệp là lĩnh vực có mức tăng ấn tượng, là điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh...

 
Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng của năm 2020 trên địa bàn tỉnh ước đạt 567,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ và bằng 70,7% kế hoạch cả năm. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 41,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so cùng kỳ và bằng 72,5% kế hoạch. Công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 526 nghìn tỷ đồng, bằng 70,5% kế hoạch, tăng 2,3% cùng kỳ. 
Trong giai đoạn 2016-2020, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng nhanh, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng GRDP của tỉnh, đúng định hướng Nghị quyết. Năm 2020, cơ cấu kinh tế của tỉnh là: Công nghiệp - xây dựng 59%; dịch vụ  31%; nông - lâm nghiệp - thủy sản 10%. Hoạt động thu hút đầu tư được đẩy mạnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 238 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 90 dự án. Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiếp tục phát triển, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 350 doanh nghiệp. Nhìn lại 5 năm có thể khẳng định, nhờ sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế của Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp có mức tăng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế là điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. 
 
Có được kết quả này là do tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thu hút đầu tư, ưu tiên cho các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thực sự tạo được bước đột phá khi xây dựng thành công nhiều khu công nghiệp tập trung, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, trong đó ngoài Tập đoàn Samsung với Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao thì đã có tới trên 90 dự án được cấp mới và bổ sung tăng vốn thuộc các tập đoàn lớn, tạo thành chuỗi các dự án phụ trợ, dần lấp đầy các khu công nghiệp tập trung như Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công...
 
Sản xuất phụ tùng xe máy ở Công ty Phụ tùng máy số 1(T.P Sông Công). Ảnh: Vi Vân.
 
Đến nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh và đang chuyển dịch về cơ cấu theo đúng định hướng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống nhân dân. Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 16,3%/năm (vượt 1,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết). Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,5%/năm; công nghiệp địa phương tăng 15,4%/năm; công nghiệp Trung ương tăng 12,4%/năm. Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2020 đạt 803 nghìn tỷ đồng, đứng thứ tư về quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 99% tổng giá trị sản xuất. GRDP bình quân tăng từ 51 triệu đồng/người năm 2015 lên 90 triệu đồng/người năm 2020 (gấp 1,76 lần so với năm 2015). Công nghiệp phát triển đã thúc đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, tốc độ tăng bình quân giá trị xuất khẩu đạt 13,1%/năm. Trong đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân 20%/năm; xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,9%/năm, chiếm 98,2% tổng giá trị xuất khẩu. Giá trị nhập khẩu tăng 7,9%/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,4%/năm và chiếm 97,9% tổng giá trị nhập khẩu.
 
Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2016 - 2020, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Tuy nhiên, ngoài những kết quả khả quan thì vẫn còn tiềm ẩn yếu tố bất ổn định. Đó là: Kết quả phát triển một số ngành kinh tế quan trọng chủ yếu là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trình độ công nghệ các doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể; ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển đồng bộ với các ngành công nghiệp khác; một số khu, cụm công nghiệp triển khai còn chậm, đầu tư hạ tầng kết nối một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu. Đây là những vấn đề đòi hỏi cần có sự lưu tâm và quyết liệt trong thực hiện khắc phục, để công nghiệp luôn là điểm nhấn quan trọng, là điểm đột phá trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.