Sản xuất công nghiệp: Nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

08:15, 16/10/2020

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực gỡ khó để duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định của các doanh nghiệp (DN), đồng thời được các cấp, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ nên gia trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) trên địa bàn đang tăng trưởng trở lại.

Theo thông tin từ Sở Công Thương, 9 tháng qua, GTSXCN trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 567 nghìn tỷ đồng, mặc dù chỉ bằng 70,7% kế hoạch năm nhưng vẫn tăng 0,35% so với cùng kỳ năm trước. Từ thực tế cho thấy, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng cộng đồng DN trên địa bàn đã nỗ lực vượt qua, tích cực tìm kiếm, nắm bắt cơ hội trong gian khó để duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động. Trong đó, các DN thuộc nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, công nghệ cao đạt mức tăng trưởng khá, cụ thể như: máy tính bảng đạt 14,7 triệu sản phẩm, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước; tai nghe điện thoại đạt 29,9 triệu sản phẩm, tăng 5,5%; mạch điện tử tích hợp đạt 82,4 triệu sản phẩm, tăng gần 1%…

Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Jukwang Precision Việt Nam (Khu công nghiệp Điềm Thụy) cho biết: Công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu sản phẩm khuôn đúc, linh kiện điện thoại sang Hàn Quốc, Trung Quốc. Thời gian qua, dịch COVID-19 tại các nước này diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Tuy vậy, Công ty đã nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu mới và nghiên cứu, sản xuất các loại mô-đen theo nhu cầu của thị trường trong nước. Nhờ đó, 9 tháng qua, GTSXCN của Công ty đạt trên 60% kế hoạch năm, tương đương cùng kỳ năm trước.

Còn đối với Công ty TNHH SAMJU VINA (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) chuyên sản xuất màn hình điện thoại, từ đầu năm đến nay luôn duy trì sản xuất và tiêu thụ được trên 20 triệu sản phẩm/tháng, đạt 90% kế hoạch đề ra. Ông Đàm Thái Hoàng, đại diện Công ty chia sẻ thêm: Mặc dù những tháng đầu năm, Công ty gặp khó khăn do dịch COVID-19 thế nhưng vẫn cố gắng bảo đảm việc làm cho người lao động để “giữ chân” họ. Cùng với đó, Công ty đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất màn hình điện thoại thứ 2, nâng tổng công suất hoạt động lên 35 triệu sản phẩm/tháng. Qua đó, nhằm đáp ứng số lượng đơn hàng lớn trong những tháng cuối năm và gia tăng công việc cho trên 1.300 người lao động. 

Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường khai thác đá xây dựng tại mỏ đá trên địa bàn xã Quang Sơn (Đồng Hỷ).
Ảnh: H.C

Cũng như các DN có vốn đầu tư nước ngoài, thời gian qua, nhiều DN chủ lực của địa phương hoạt động trong lĩnh vực may mặc, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng... cũng đề ra nhiều giải pháp để trụ vững sản xuất trước tác động của dịch bệnh. Ông Vũ Thanh Sơn, Trưởng phòng Thị trường, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho hay: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam bị chững lại (đặc biệt là thép Trung Quốc), từ đó đã mở ra cơ hội lớn về thị trường tiêu thụ thép nội địa cho Công ty. Nắm bắt được cơ hội “vàng” này, Công ty đã yêu cầu các DN, đơn vị trực thuộc đẩy mạnh sản xuất, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, trong 9 tháng qua, sản lượng thép tiêu thụ của Công ty đạt trên 600.000 tấn, bằng 75% kế hoạch năm và tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019; tương đương doanh thu trên 9 nghìn tỷ đồng. Còn trong lĩnh vực may mặc, các đơn vị tiêu biểu như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty May xuất khẩu Vina Garment, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT... cũng đã và đang phục hồi sản xuất được từ 50-80% sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện các DN may này cũng đã ký được các đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Qua đó, thúc đẩy các DN phấn đấu thành kế hoạch sản xuất – kinh doanh ở mức cao nhất… 

Theo đánh giá của ngành chức năng, mặc dù trong quý III/2020 tình hình SXCN trên địa bàn tỉnh cơ bản được phục hồi nhưng cũng còn một số DN (nhất là DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ) vẫn chưa thể ổn định sản xuất, kinh doanh trở lại. Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã có 434 DN đóng mã số thuế (gồm 368 DN và 66 chi nhánh DN) và 360 DN ngừng hoạt động. Như vậy, 9 tháng qua số DN đóng mã số thuế và ngừng hoạt động tăng 10,9% so với số DN đăng ký mới và hoạt động trở lại.

Trước thực trạng này, nhằm hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GTSXCN trên địa bàn tỉnh trong năm nay ở mức cao nhất, ngành Công Thương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, như: Phối hợp với các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ các DN ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc đồng hành tháo gỡ khó khăn, triển khai các đề án, chương trình khuyến công, tham mưu với UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, ngành Công Thương tiếp tục đề nghị các bộ, ngành Trung ương ưu tiên nguồn vốn cho các dự án công thương lớn trên địa bàn tỉnh; bố trí nguồn kinh phí khuyến công để đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh...