Hiện nay, công tác phòng dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt. Các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đã chủ động xây dựng và triển khai phương án ứng phó dịch bệnh trong tình hình mới. Nhờ đó, hiện nay, các DN thuộc khu vực này luôn duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định.
Những ngày đầu Xuân, tại Công ty TNHH New One Tech ở Khu công nghiệp (KCN) Điềm Thụy (Phú Bình), trên 1.300 lao động đang tập trung lắp ráp điện thoại để kịp giao hơn 1,4 triệu sản phẩm cho khách hàng vào cuối tháng 2 này. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Việt, trợ lý Giám đốc Công ty chia sẻ: Công ty chuyên gia công lắp ráp điện thoại di động cho Tập đoàn Samsung. Năm nay, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng do Công ty đã ký được các đơn hàng sản xuất đến quý II nên sản xuất không bị ảnh hưởng nhiều. Từ ngày mùng 5 Tết, Công ty đã cho công nhân quay trở lại làm việc bình thường (đạt tỷ lệ 93%), duy trì 100% công suất các dây chuyền sản xuất để đáp ứng thời gian giao hàng cho đối tác theo đúng hợp đồng.
Tương tự, đối với Công ty TNHH Shingsung C&T Vina ở KCN Điềm Thụy (chuyên sản xuất thiết bị băng keo, băng dính, chống thấm, xốp, sử dụng cho điện thoại di động và linh kiện điện tử), Công ty TNHH Wiha Việt Nam ở KCN Sông Công I, T.P Sông Công (chuyên sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ)... tình hình sản xuất cũng diễn ra khá sôi động ngay từ đầu năm. Ông Phạm Ngọc Hoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Wiha Việt Nam phấn khởi: Hiện nay, Công ty duy trì ổn định 3 ca sản xuất/ngày với gần 700 người lao động (tăng thêm 200 người so với đợt dịch thứ 2). Trung bình mỗi tháng Công ty sản xuất được 200 nghìn chiếc kìm và hàng triệu đầu tô-vít các loại. Công ty đang tuyển thêm 100 công nhân làm việc tại các xưởng...
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân chính giúp các DN FDI nêu trên có thể duy trì ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp là do các DN đã chủ động tìm kiếm, ký kết hợp đồng thực hiện các đơn hàng từ cuối năm 2020. Cùng với đó, rút kinh nghiệm từ các đợt dịch COVID-19 trước, nhiều DN chủ động nhập nguyên phụ liệu sản xuất, cơ cấu hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm. Anh Phạm Văn Việt, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH New one tech chia sẻ: “Đơn vị tìm kiếm các đơn hàng có quy mô lớn, cùng với đó chủ động nhập nguyên liệu từ trước 3-4 tháng”. Cùng với đó, các DN cũng thực hiện khá tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động, đặc biệt là kiểm soát công nhân trở về từ vùng dịch, tiếp xúc với các trường hợp F0, F1.
Để bảo đảm ổn định sản xuất, Công ty Samju Vina Thái Nguyên (chuyên sản xuất màn hình điện thoại di động) ở Khu công nghiệp Điềm Thụy luôn chú trọng thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Chị Trần Minh Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shingsung C&T Vina ở KCN Điềm Thụy cho biết: Một trong những biện pháp để kiểm soát dịch vào nhà máy là mỗi ngày, Công ty đều yêu cầu người lao động thực hiện khai báo y tế. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Công ty đã cho 4 lao động cách ly tại nhà do người thân của họ trở về từ vùng dịch và hỗ trợ 70% mức lương tối thiểu vùng. Tương tự Công ty TNHH Wiha Việt Nam cũng hỗ trợ 70% lương cơ bản cho những công nhân thực hiện cách ly.
Việc phòng dịch COVID-19 được thực hiện tốt trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp các DN chủ động duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp thì cũng có những đơn vị vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn, thậm chí còn gặp thêm nhiều khó khăn. Đơn cử như Công ty TNHH Young Jin Hi-tech Việt Nam ở KCN Điềm Thụy - đơn vị chuyên sản xuất linh kiện, phụ kiện điện thoại di động (như mô-đun rung, cảm biến, camera) cho các hãng LG, Samsung....
Từ đầu năm đến nay, công suất của đơn vị sụt giảm từ 30-40% so thời điểm chưa có dịch COVID-19. Anh Nguyễn Văn Huy, đại diện Công ty cho hay: Do dịch COVID-19 bùng phát trở lại nên Công ty bị sụt giảm một số đơn hàng và khan hiếm nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Để khắc phục khó khăn, gần 3 tháng nay, Công ty phải bố trí cho công nhân làm việc luân phiên, bù lỗ sản xuất và tạm dừng hoạt động 1 xưởng sản xuất…
Trước sự nỗ lực cũng như khó khăn gặp phải của các DN, Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh kế hoạch thăm và động viên một số DN trên địa bàn trong tháng 2 này. Qua đây, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành sẽ trực tiếp tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc để phối hợp tháo gỡ, tạo điều kiện giúp DN ổn định và phát triển. Cùng với đó, tỉnh đang nỗ lực phối hợp với các nhà đầu tư triển khai những dự án quy mô trên địa bàn các khu, cụm công nghiệp; phối hợp đưa các chuyên gia, người lao động nước ngoài nhập cảnh vào tỉnh; đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm dịch COVID-19 để không làm gián đoạn sản xuất của các DN và duy trì đà tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới...