Ngay từ những ngày đầu Xuân mới, không khí chuẩn bị cho một năm lao động hăng say đang hiển hiện ở khắp các nhà máy, doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xác định còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các đơn vị đã xác định rõ chiến lược sản xuất, kinh doanh, lựa chọn những phương án tối ưu để có thể tăng tốc và bứt phá, hoàn thành tốt kế hoạch đề ra…
Từ đầu năm 2021, các nhà máy thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã phải hoạt động hết công suất để hoàn thành các đơn hàng may thời trang xuất khẩu trong quý I năm nay. Theo tính toán, doanh thu của Công ty trong quý I ước đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm trước. Để hoàn thành mục tiêu này, Công ty đã chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị DN. Trong đó chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ để giám sát hoạt động sản xuất tại các nhà máy. Tính đến nay, TNG đã ký kết được các đơn hàng với đối tác đến hết tháng 6-2021. Ngoài ra, trong năm 2021, Công ty sẽ đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất quần áo bảo hộ lao động để xuất khẩu sang thị trường EU; đầu tư nhà máy sản xuất lều cắm trại xuất khẩu giai đoạn I với 2 dây chuyền đặt tại Chi nhánh may TNG Phú Bình…
Hiện nay, Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên) đang tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.
Trong lĩnh vực luyện kim, năm vừa qua, tập thể lãnh đạo và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh. Đây là động lực để Công ty tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 210 nghìn tấn thép trong năm 2021. Ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) cho biết: Năm 2021, Nhà máy được giao nhiệm vụ sản xuất 120 nghìn tấn thép cán (tăng 10 nghìn tấn so với năm trước), doanh thu 1.400 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, Nhà máy đã nghiên cứu, tiến hành cán thành công thép hình góc nhỏ từ 40-50, phục vụ cho các công trình xây lắp điện, cầu đường... Đây là dòng sản phẩm chưa được sản xuất phổ biến trong nước, đa phần vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì thế, việc cán thành công thép hình góc nhỏ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần mở rộng thị phần sản phẩm cho Nhà máy trong năm nay. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm thép hình, Nhà máy đã thực hiện cán thành công thép góc từ 70-75, góc chữ C từ 80-100 trên tuyến cán hàng dọc thay cho cán thủ công; tăng công suất thêm từ 40-50 tấn thép/ca, đồng thời có thể sử dụng nguồn phôi khác thay cho phôi thép mác 100 hiện đang khan hiếm trên thị trường để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Là DN đặc thù, năm 2021, Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) phấn đấu sản lượng điện thương phẩm đạt 5.170 triệu kWh, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 62%...Ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc PC Thái Nguyên lạc quan: Bước sang năm 2021, bối cảnh kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thể phục hồi hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng chúng tôi tin tưởng sẽ hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng của năm. Trên địa bàn tỉnh, dịch COVID-19 được kiểm soát khá tốt, cùng với đó tỉnh đang tích cực thu hút các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, vì thế, PC Thái Nguyên sẽ có cơ hội có thêm nhiều khách hàng trong khối công nghiệp, xây dựng. Để nắm bắt cơ hội này, ngay từ đầu năm, PC Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng thêm trạm biến áp 110kV Yên Bình 5 tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình (T.X Phổ Yên); trạm biến áp 110KV Đa Phúc phục vụ cấp điện cho Cụm công nghiệp số 3 cảng Đa Phúc (T.X Phổ Yên); đẩy mạnh ứng dụng phương thức sửa chữa Hotline trên đường dây 22kV; đầu tư xây dựng mới 13 dự án chống quá tải, cải tạo lưới điện, công nghệ thông tin; hoàn thành 37 hạng mục sửa chữa lớn và đặc biệt chú trọng thực hiện giải pháp về an toàn vệ sinh lao động...
Không chỉ ở các DN trong nước, qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, nhiều dự án đầu tư nước ngoài tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt nhà xưởng sản xuất, phấn đấu hoàn thành trong quý II năm nay. Ví dụ như Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar của Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar (Tập đoàn năng lượng Trinor - Trung Quốc) tại KCN Yên Bình với tổng mức đầu tư hơn 4.750 tỷ đồng chuẩn bị đi vào hoạt động trong tháng 3-2021; Dự án MDF Dongwha Việt Nam của nhà đầu tư Dongwha Enterprise CO, LTD (trụ sở chính tại Hàn Quốc) đặt tại KCN Sông Công II (T.P Sông Công) có tổng vốn đầu tư 163 triệu USD đang phấn đấu đi vào hoạt động trong tháng 6 năm nay. Sau khi đi vào hoạt động, các dự án này sẽ góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động…
Theo đánh giá của ngành Công Thương, sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các DN trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thế nhưng nhiều tín hiệu lạc quan hiện hữu đang thúc đẩy các DN tiếp tục phát triển. Một tín hiệu rất vui với Thái Nguyên là Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung diện tích 300ha cho KCN Sông Công II và 675ha tại huyện Phú Bình cho KCN Yên Bình. Cùng với đó, nhiều cụm công nghiệp sẽ dần được hình thành, như: Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương (Phú Bình), Cụm công nghiệp Sơn Cẩm I (T.P Thái Nguyên), Cụm công nghiệp Bá xuyên (T.P Sông Công... Từ đó hứa hẹn sẽ tạo nhiều chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.