Trong nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng như tất cả các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn đã và đang được xây dựng cho giai đoạn mới, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh luôn được đề cập rõ ràng, thống nhất. Đó là ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thân thiện với môi trường, từ đó bảo đảm tăng trưởng bền vững…
Với quan điểm, định hướng như vậy, hoạt động thu hút đầu tư ồ ạt, chạy theo số lượng dự án và lượng vốn đầu tư không phải là ưu tiên của tỉnh trong thời điểm này cũng như thời gian tới. Từ thực tế cho thấy, đã có giai đoạn chúng ta chưa thực sự coi trọng việc lựa chọn dự án sản xuất công nghiệp, bởi khi đó trên địa bàn còn ít doanh nghiệp, số lượng nhà đầu tư tìm đến tỉnh chưa nhiều và thiếu đa dạng, môi trường đầu tư cũng chưa thuận lợi như hiện nay. Do đó, không ít dự án công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều diện tích và nguyên, nhiên liệu, tạo giá trị sản xuất và giá trị gia tăng không cao vẫn được chấp thuận. Nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Sông Công I, Cụm công nghiệp Trúc Mai (huyện Võ Nhai) và một số cụm công nghiệp tại T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công… từ nhiều năm trước là minh chứng cho điều này. Bên cạnh những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội, không ít cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.
Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, dự án có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không được khuyến khích đầu tư, mở rộng. Trong ảnh: Nhà máy Xi măng Quang Sơn (nằm trên địa bàn huyện Đồng Hỷ) có thời điểm gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Ảnh: T.L
Từ đòi hỏi thực tế và hiện trạng ngành Công nghiệp hiện nay, Thái Nguyên đã và đang hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp theo chiều sâu, chú trọng chất lượng tăng trưởng, bảo đảm tính bền vững, thân thiện với môi trường mà vẫn tạo ra năng suất cao. Năm 2013, khi Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) xây dựng cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới tại KCN Yên Bình, kéo theo hàng trăm dự án phụ trợ đầu tư vào tỉnh có thể coi là thời điểm bắt đầu cho sự đột phá của công nghiệp Thái Nguyên. Sự đột phá thể hiện ở các khía cạnh chính như: Số lượng và quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh tăng nhanh, Thái Nguyên trở thành điểm sáng về thu hút vốn FDI của cả nước (hiện tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 163 với tổng vốn đăng ký trên 8,5 tỷ USD, riêng số vốn FDI đã giải ngân từ năm 2016 đến nay đạt gần 1,8 tỷ USD). Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng đột biến (năm 2020 đạt trên 783 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 4 cả nước), giá trị xuất khẩu cũng tăng rất nhanh (năm 2020 đạt gần 27 tỷ USD). Cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu nội ngành Công nghiệp có sự chuyển dịch mạnh mẽ, từ chỗ nhóm ngành công nghiệp nặng, khai khoáng, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng lớn thì đến nay tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới khoảng 99% giá trị sản xuất toàn ngành…
Các dự án FDI nói riêng và dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nói chung trên địa bàn tỉnh những năm gần đây phần lớn là dự án có công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị sản xuất lớn và thân thiện với môi trường. Tập trung ở nhóm ngành chế biến, chế tạo, sản xuất phụ trợ cho các tập đoàn lớn. Điều đó khẳng định tiềm năng, lợi thế của tỉnh về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sạch, tăng trưởng theo chiều sâu, đúng với chủ trương, định hướng của Trung ương và của tỉnh, đồng thời, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Bám sát chủ trương được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, các cấp, ngành liên quan đã và đang tích cực tham mưu, hoàn chỉnh các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến phát triển công nghiệp. Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở đã chủ trì xây dựng dự thảo Chương trình Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025 để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trong đó, các mục tiêu, giải pháp chính đều nhằm cụ thể hóa định hướng chung là ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có thể tạo ra giá trị gia tăng lớn, như: sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, vi mạch điện tử bán dẫn, chế tạo máy, vật liệu mới, chế biến nông, lâm sản ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển vùng nguyên liệu…
Cùng với đó, các sở, ngành liên quan cũng đã và đang tham mưu xây dựng, hoàn chỉnh các đề án, chương trình như: Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2026; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2026; Đề án hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Các chương trình, đề án này đều thống nhất theo quan điểm của tỉnh là ưu tiên thu hút những dự án ứng dụng công nghệ cao, có hiệu quả đầu tư lớn nhưng thân thiện với môi trường. Không thu hút đầu tư dàn trải và tập trung phát triển công nghiệp ở các địa phương phía Nam của tỉnh. Một số ngành thuộc nhóm công nghiệp nặng có truyền thống của tỉnh, nhất là lĩnh vực khai khoáng không còn thuộc đối tượng ưu tiên thu hút đầu tư, khuyến khích mở rộng sản xuất như trước (nguyên nhân là do ngoài tác động tiêu cực đến môi trường thì một số ngành đã gần như không còn dư địa tăng trưởng)…
Để lựa chọn được các dự án đầu tư có chất lượng, bảo đảm phát triển công nghiệp bền vững, hiện đại, tỉnh đang tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng thẩm định, sàng lọc để ngăn chặn dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn.