Đồng Hỷ là địa phương có nhiều mỏ khai thác khoáng sản, với 64 điểm mỏ đã được cấp phép khai thác (chủ yếu là mỏ đá). Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, đặc biệt là thời điểm bước vào mùa mưa bão, nguy cơ mất an toàn tại các điểm mỏ rất cao. Trước thực tế này, huyện Đồng Hỷ đã và đang quyết liệt chỉ đạo xây dựng các phương án đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất những ảnh hương trong quá trình khai thác khoáng sản.
Vụ sạt lở đất, đá tại khu vực mỏ Lân Đăm 2 và Lân Đăm 3 trên địa bàn xã Quang Sơn mới đây đã gây xôn xao dư luận bởi mức độ an toàn thấp tại điểm khai thác khoáng sản. Theo ông Đỗ Danh Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Qua đánh giá ban đầu, cả 2 vụ sạt lở đều do mưa lớn gây nên. Kèm theo đó, trước thời điểm sạt lở ở gần khu vực mỏ đá Lân Đăm 3, chủ mỏ đã nổ mìn khai thác, sau đó gặp mưa lớn khiến khu vực núi đá bên cạnh (nằm ngoài khu vực khai thác của mỏ) bị rung chấn gây sạt lở. Trước sự việc trên, các cấp chính quyền của tỉnh, huyện Đồng Hỷ đã quyết liệt vào cuộc, yêu cầu 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Hải Bình (chủ mỏ đá Lân Đăm 2) và Công ty TNHH Chiến Thắng (chủ mỏ đá Lân Đăm 3) tạm dừng hoạt động khai thác tại khu vực trên, đồng thời tiến hành xử lý ngay những điểm có nguy cơ tiếp tục sạt lở, khắc phục các đoạn đường bị hư hỏng do sự cố sạt lở gây nên.
Ông Trịnh Quang Tĩnh, Giám đốc Mỏ đá Lân Đăm 2 (thuộc Công ty TNHH Hải Bình) cho biết: Sau khi có chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã cho tạm dừng mọi hoạt động tại khu vực mỏ, đồng thời xây dựng phương án cạy gỡ những tảng đá lớn còn nằm cheo leo trên vách núi. Công ty cũng đang cử lực lượng xúc tiến làm lại đoạn đường bị hư hỏng trước đó cho nhân dân đi lại.
Còn ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Chiến Thắng cho hay: Sau sự cố sạt lở, chúng tôi đã tạm dừng hoạt động khai thác. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ lực lượng lập rào chắn cảnh báo khu vực nguy hiểm cho người dân đi qua khu vực này. Đến nay, 4 hộ dân trong vùng nguy hiểm cũng đã được di chuyển đến nơi an toàn, doanh nghiệp đang thỏa thuận với các hộ dân về phương án hỗ trợ đền bù để di dời đến nơi ở mới..
Trước tình trạng này, để đảm bảo hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn diễn ra an toàn, đặc biệt trong mùa mưa bão, huyện Đồng Hỷ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức rà soát, kiểm tra phương án phòng, chống thiên tai tại các điểm mỏ khai thác trên địa bàn huyện. Huyện cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai để thông tin kịp thời, thường xuyên đến người dân chủ động phòng, tránh hiện tượng mưa lớn, lốc, lũ quét, sạt lở đất; kiên quyết vận động người dân di dời khẩn cấp khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở đất, đá cao...
Ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tập Trung (chủ mỏ đá Tập Trung, ở xóm Làng Mới, xã Tân Long) chia sẻ: Khi nổ mìn khai thác đá, việc đảm bảo an toàn luôn được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Để tránh sạt lở khi có mưa bão, sau mỗi lần nổ mìn, chúng tôi đều cử người kiểm tra lại toàn bộ đất, đá trên vách, đỉnh núi, trường hợp còn những tảng đá lớn, đá mồ côi sẽ tiến hành xử lý, cạy gỡ ngay.
Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, huyện Đồng Hỷ còn thành lập các đoàn đi kiểm tra, đánh giá công tác đảm an toàn khai thác tại một số điểm mỏ, đặc biệt là những điểm có nguy cơ mất an toàn. Ông Đỗ Danh Huân cho biết thêm: Qua kiểm tra, cơ bản các đơn vị đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Qua đây, huyện cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp cam kết khai thác đúng thiết kế theo đề án được phê duyệt; chấp hành nghiêm các quy định, thông báo, hiệu lệnh của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Khi có hiện tượng bất thường như mưa bão, lũ quét, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác phải tạm dừng hoặc thay đổi kế hoạch khai thác…
Riêng với khu vực sụt lún ở thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, mặc dù doanh nghiệp là Mỏ sắt Trại Cau đã tạm dừng hoạt động từ năm ngoái, nhưng để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, huyện đã chỉ đạo 2 địa phương phối hợp với các phòng, ban của huyện rà soát lại các hộ dân đã được bồi thường nhưng chưa chịu di dời; có biện pháp cưỡng chế và lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định với những trường hợp cố tình không chấp hành…