Giá thép “hạ nhiệt”: Doanh nghiệp chưa hết lo

07:10, 05/07/2021

Sau nhiều lần tăng giá vào cuối năm ngoái và những tháng đầu năm, vừa qua, các nhà sản xuất, cung ứng thép nội địa đã đồng loạt công bố giảm giá thép từ 500-800 đồng/kg. Giá thép “hạ nhiệt” đã góp phần khơi thông thị trường tiêu thụ và giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp (DN) xây dựng. Tuy nhiên, mối lo vẫn còn đó.

Hiện nay, giá các sản phẩm thép Hòa Phát, Thái Nguyên, Việt Đức, Việt Ý... đang ở mức trung bình 17.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế). Giá thép giảm nhẹ sau thời gian dài tăng mạnh tạo tín hiệu tích cực cho các DN trong ngành Xây dựng. Theo bà Phạm Thị Thanh Huệ, Phó Giám Công ty TNHH Xây dựng và XNK 168 Thái Nguyên (xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên): Giá thép giảm đồng nghĩa với chi phí đầu vào giảm, các công trình xin gia hạn trước đó do ảnh hưởng của giá thép tăng cao giờ  đây đã có thể được triển khai trở lại. 

Ở một khía cạnh tích cực khác, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hà Long cho biết: Giá thép hiện nay giảm so với vùng “đỉnh” giá lúc trước giúp các nhà thầu, đơn vị thi công xây lắp trọn gói bớt bị thiệt hại hơn do phần bù lỗ sản xuất giảm từ 3-4% so với trước đây. 

Đối với các DN trực tiếp sản xuất, cung ứng sắt thép như Công ty CP Cán thép Thái Trung (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên), đại diện Công ty cho hay, giá thép giảm góp phần kích cầu thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, trong tháng 6 vừa qua, sản lượng thép tiêu thụ của Công ty đạt khoảng 30.000 tấn, tương đương so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 5% so với tháng trước. Còn tại Doanh nghiệp tư nhân Kim khí Luyến Dung (T.P Thái Nguyên) - đại lý phân phối cấp II của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco), ông Lê Chí Dũng, Giám đốc đơn vị chia sẻ: Hiện tại, chúng tôi đều áp giá theo bảng niêm yết công khai, thực hiện bán theo giá công bố của Tisco. Trong tháng 6 vừa qua, Tisco đã công bố giảm giá nhằm kích cầu thị trường tiêu thụ. Hiện tại, sản lượng thép tiêu thụ của Công ty đạt từ 50-100 tấn/ngày, khách mua chủ yếu là các nhà thầu xây dựng và đại lý cấp dưới. 

Hiện nay, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép trên thị trường. Trong ảnh: Sản xuất thép góc tại Nhà máy Cán thép Lưu Xá. 

Theo lý giải của một số DN kinh doanh thép, nguyên nhân làm cho giá thép giảm là do trước đó, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ phản ánh biến động giá một số vật liệu xây dựng, trong đó có thép tăng giá đột biến đã tác động tiêu cực đến tiến độ thi công các dự án (DA) đầu tư xây dựng. Ở tầm vĩ mô, giá thép và vật liệu xây dựng tăng cao gây khó khăn cho công tác kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan đã đề xuất một số giải pháp kiềm chế đà tăng giá thép. Ngoài ra, cũng theo các DN sản xuất, cung ứng thép thì giá phôi thép và nguyên vật liệu giảm nên có sự điều chỉnh giá bán sản phẩm; nhiều khu vực bước vào mùa mưa, nhu cầu tiêu thụ giảm nên các nhà sản xuất thép nội địa đã đồng loạt giảm giá để kích cầu thị trường… 

Từ thực tế cho thấy, giá thép bắt đầu giảm từ giữa tháng 6 vừa qua đã tạo những tín hiệu tích cực cho các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, mức giá hiện nay vẫn cao hơn khoảng 35% so với thời điểm cuối năm 2020 nên các DN xây dựng vẫn đang tiếp tục phải bù lỗ đối với các dự án, công trình được ký hợp đồng từ trước thời điểm tăng giá. Ngoài ra, theo một số đơn vị chuyên thi các công trình xây dựng, 17 triệu đồng/tấn chỉ là giá thép xuất xưởng, khi đến nhà thầu thì đã “đội” lên khoảng 20 triệu đồng/tấn (do chi phí vận chuyển, thuế...). Vì thế, giá thép giảm nhẹ mới chỉ tác động phần nào tới nhu cầu tiêu thụ mà chưa thể làm cho hoạt động xây dựng sôi động ngay trở lại. 

Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia, sau thời gian dài tăng giá từ cuối năm ngoái đến đầu quý I-2021, đà giảm giá thép có thể sẽ không kéo dài và sẽ tăng trở lại vào khoảng cuối quý III, đầu quý IV-2021. Còn các đại lý kinh doanh sắt thép thì nhận định, sức tiêu thụ vật liệu xây dựng trong thời gian tới sẽ không có nhiều biến động bởi giá thép được dự báo sẽ tăng trở lại, cùng với đó là các ngành nói chung đều bị chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Vì vậy, hiện tại, các đại lý không nhập hàng với số lượng lớn mà chỉ cân đối ở mức vừa phải để đáp ứng nhu cầu tạm thời của thị trường. Riêng đối với các cửa hàng kinh doanh sắt thép nhỏ lẻ, nhiều chủ cửa hàng cho biết họ không nhập thêm hàng mới mà bán “cầm chừng” - hết đến đâu nhập đến đó để tránh bị “chôn” vốn...

Trước bối cảnh trên, các DN hoạt động trong ngành Xây dựng đang phải cân đối lại chi phí đối với các DA đầu tư xây dựng, tối ưu hóa nguồn nhân lực, áp dụng máy móc, trang bị kỹ thuật tiên tiến để hạ giá thành sản xuất; một số đơn vị tiếp tục duy trì sản xuất theo kiểu cầm chừng hoặc lập lại kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Song song với sự nỗ lực tự thân, các DN mong muốn tỉnh đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công để các DA đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách được đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, kỳ vọng các sở, ban, ngành, hiệp hội DN có những đề xuất với Chính phủ tác động đến các nhà sản xuất, cung ứng thép nội địa để cố gắng đưa giá thép về mức bình ổn như trước đây, qua đó, giảm bớt thiệt hại cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công và người tiêu dùng.