“Trái ngọt” trong sản xuất công nghiệp

07:16, 09/09/2021

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, để sản xuất, kinh doanh đạt kế hoạch đề ra và bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất đều nỗ lực tìm giải pháp phù hợp, thích ứng với tình hình mới. Nhờ đó, qua 8 tháng của năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 7,5%, là một “trái ngọt” trong thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Để bảo đảm hoạt động sản xuất công nghiệp được ổn định, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường bảo đảm an toàn phòng dịch tại các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, khu công nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng của tỉnh và 9 huyện, thành, thị đã yêu cầu các DN, cơ sở sản xuất tổ chức, sắp xếp lại phương án sản xuất, kinh doanh; bảo đảm phân luồng, giãn cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên kiểm tra, đánh giá các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch, nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc kiểm tra công tác bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được tăng cường, triển khai chặt chẽ, nhất là trong những thời điểm các tỉnh, thành lân cận xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các DN đã chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch đến người lao động, triển khai các biện pháp tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19. Các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã sử dụng bộ công cụ để đánh giá mức độ an toàn, nguy cơ lây nhiễm COVID-19, các tiêu chí theo quy định và cập nhật lên hệ thống chung. Dựa trên kết quả tự chấm điểm, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể giám sát, hướng dẫn DN khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho người lao động và hoạt động sản xuất.

Do vậy, trong 8 tháng, tại các DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh không để xuất hiện dịch bệnh, số ít công nhân thuộc diện F0, F1, F2 đã được cơ quan chức năng và chủ DN kịp thời đưa đi cách ly, tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực sản xuất và thực hiện các biện pháp y tế khác nên dịch COVID-19 đã kịp thời được ngăn chặn, không lây lan trong cộng đồng. 

Hiện nay, 100% người lao động tại Công ty CP gỗ Phượng Anh (trụ sở ở phường Tân Thành, T.P Thái Nguyên) được bố trí đủ việc làm, thu nhập ổn định.

Dịch bệnh được ngăn chặn hiệu quả nên tình trạng DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh phải đóng cửa, ngừng hoạt động rất hãn hữu. Ngược lại, nhiều DN đã tận dụng thời điểm không có dịch bệnh để nâng công suất, chủ động dự trữ nguyên, nhiên liệu, bảo đảm chuỗi sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa được thông suốt. Nhiều đơn vị như: Công ty CP Thương mại Thái Hưng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Tập đoàn An Khánh, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên… đều thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch và nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh để bảo đảm việc làm cho người lao động, tăng doanh thu, lợi nhuận, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Đối với các DN vừa và nhỏ, tuy có khó khăn hơn do nguồn lực tài chính và mạng lưới phân phối sản phẩm còn yếu nhưng cũng nỗ lực tìm các giải pháp để vừa ổn định hoạt động. Cụ thể, tại Công ty CP Xi măng Cao Ngạn, tất cả cán bộ, nhân viên, khách hàng đến Công ty đều phải kiểm tra thân nhiệt và khử khuẩn trước khi vào làm việc; thực hiện phun khử trùng đối với xe từ bên ngoài vào. Người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bộ phận bếp ăn của Công ty tăng cường vệ sinh, khử trùng khu vực bàn ăn, sàn nhà và các dụng cụ làm bếp.

Còn tại Công ty TNHH Đúc Thái Nguyên có nhà máy tại Cụm công nghiệp Sơn Cẩm chuyên sản xuất các sản phẩm từ gang đúc vẫn duy trì hoạt động. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty cho biết: Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Công ty xác định bên cạnh nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho chính người lao động cũng như cả cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi tăng cường thực hiện các biện pháp như: Bố trí bộ phận thường trực thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; tổ chức đo thân nhiệt tại cổng ra, vào; bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn; yêu cầu công nhân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trong quá trình làm việc. 

Khi tìm hiểu thực tế tại Công ty TNHH gỗ Phượng Anh, có trụ sở tại phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên), chúng tôi thấy 30 lao động của đơn vị vẫn được chủ DN bố trí đủ việc làm, trả đủ lương hàng tháng. Chị Nguyễn Thị Hương, một lao động làm việc tại đây chia sẻ: Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng chúng tôi vẫn được bố trí việc làm ổn định, thu nhập không bị cắt giảm, do đó đời sống được bảo đảm.

Cấp ủy, chính quyền các cấp và các DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh luôn chủ động, đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời lựa chọn những phương án, giải pháp tối ưu để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, nhờ đó đã tạo ra “trái ngọt” trong lĩnh vực công nghiệp, góp phần thực hiện tốt “mục tiêu kép”. Kết quả này sẽ tạo đà để tỉnh ta hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp cả năm.

Qua 8 tháng của năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 510 nghìn tỷ đồng, bằng 60,7% kế hoạch năm, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số nhóm sản phẩm đạt kết quả rất cao, như: Vonfram và sản phẩm của Vonfram đạt 11,3 nghìn tấn (bằng 73% kế hoạch năm); sắt, thép các loại đạt 1,09 triệu tấn (bằng 71,5% kế hoạch); than sạch đạt 1 triệu tấn (bằng 70% kế hoạch)…