Bỏ 25 thủ tục trong cấp phép dự án khu đô thị

07:59, 29/06/2008

Từ 33 khâu xin, lập, trình, thẩm định, duyệt dự án... kéo dài 3-6 năm, Bộ Xây dựng đang soạn thảo một quy trình mới chỉ còn 8 thủ tục, tiến hành trong vòng 6-12 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp và tránh lãng phí toàn xã hội. > Đô thị mới vướng đền bù hơn 10 năm / Khu đô thị mới thành ''đô thị lồi lõm''.

Cụ thể, 7 thủ tục không cần thiết như: xác nhận ranh giới đất, thỏa thuận về địa điểm của dự án, chấp thuận đề cương quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500... sẽ được bỏ hẳn.

Ngoài ra, nhiều thủ tục có nội dung na ná nhau sẽ được nhập lại thành một bước. Có 6 thủ tục nội dung gần giống nhau được nhập thành khâu thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Điều này có nghĩa là các bước thẩm định, phê duyệt, báo cáo chỉ tiêu điện, nước, môi trường, chiều cao, phòng cháy chữa cháy, kiến trúc sẽ được quy lại thành một lần nộp hồ sơ.

Một điểm mới được đem ra bàn thảo là việc giao, cho thuê đất không nhất thiết dựa vào quy hoạch 1/500 mà chỉ cần có quy hoạch 1/2.000 là đã có thể giao đất. Thậm chí doanh nghiệp có thể bồi thường giải phóng mặt bằng ngay khi được giao đất. Riêng việc động thổ, chủ đầu tư có thể làm ngay khi có đất trống.

Chọn quy hoạch 1/500 hay 1/2.000 thay vì phải tiến hành cả hai như trước đây cũng là đề tài được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo phản ảnh của giới kinh doanh địa ốc, quy hoạch chi tiết cho một khu đô thị ngốn vài triệu USD là chuyện hết sức bình thường. Nếu cứ lập quy hoạch không cần thiết thì lãng phí hàng trăm triệu USD mỗi năm trên toàn quốc là chuyện khó tránh khỏi.

Dự thảo cải cách thủ tục hành chính này được Bộ Xây dựng lấy ý kiến của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản ngày 27/6 tại TP HCM. Sau đợt tổng hợp ý kiến, dự thảo sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt để rút ngắn thời gian thực hiện các dự án khu đô thị mới, khu dân cư, nhà ở trên cả nước.

Để tháo gỡ "xiềng xích" cho doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đề xuất 8 thủ tục cho toàn bộ vòng đời trên giấy của một dự án, bắt đầu từ việc cung cấp thông tin quy hoạch đến khởi công động thổ sẽ mất ít nhất là 5-6 tháng và chậm nhất là 1 năm.

Nguyên nhân của đợt cải cách, theo Bộ Xây dựng, vì sau những đợt khảo sát thực tế về tình hình cấp phép, thẩm định, phê duyệt các dự án nhà ở tại nhiều địa phương, đoàn thanh tra đã phát hiện ra những tiêu cực, nhũng nhiễu làm cồng kềnh thêm các thủ tục không cần thiết.

Công bố của Bộ Xây dựng, doanh nghiệp thực hiện một dự án khu đô thị phải vượt 33 cửa ải, trong đó nhiều khâu không thuộc quy định của nhà nước mà do địa phương tự "đẻ" ra. Thậm chí có những thủ tục kéo dài đến hơn 1 năm mới "qua truông". Vì vướng vào mê trận này, có những dự án kém may mắn phải mất đến 6 năm mới tiến hành động thổ, khởi công.

Tuy đồng thuận với dự thảo này, giới kinh doanh bất động sản vẫn tỏ ra hoài nghi. Theo họ, tiêu cực không đơn thuần do thủ tục hành chính chồng chéo gây ra mà còn vì yếu tố con người, tức những cán bộ quản lý nhũng nhiễu.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại địa ốc Thanh Bình, ông Đặng Hoàng Vũ phân tích: "Bộ đã đề ra nhiều cải cách mới mẻ nhưng chưa cụ thể cơ chế hoạt động hoàn chỉnh, chưa vạch rõ những chế tài cụ thể thì đó chỉ là lý thuyết suông, càng đẩy tình thế khó khăn hơn".

Theo ông Vũ, doanh nghiệp đã sòng phẳng trong việc chấp nhận thực hiện theo luật, làm sai bị phá sản, đi tù hoặc bị thu hồi dự án nhưng trách nhiệm của cơ quan công quyền chưa rõ.

Lãnh đạo công ty này nhận xét, từ xưa tới nay, cán bộ làm sai, nhũng nhiễu, tiêu cực, trì hoãn dự án của doanh nghiệp đều không phải bồi thường thiệt hại hay chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông Vũ đề nghị bên cạnh 8 thủ tục mới được rút gọn, Bộ Xây dựng nên có các mức chế tài cụ thể đối với cơ quan quản lý làm sai.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành đề xuất được linh động thực hiện 8 thủ tục hành chính theo từng hoàn cảnh, thậm chí có thể làm cuốn chiếu để tiết kiệm thời gian.

Quan điểm của chuyên gia này, Chính phủ nên thoáng trong việc kêu gọi đầu tư chứ đừng quản theo kiểu siết chặt. Thay vào đó, cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, giám sát đầu ra để đảm bảo chất lượng dự án mới là điều cần thiết.

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Sài Gòn, ông Hoàng Như Hải đề nghị nên cắt bỏ khâu cung cấp thông tin quy hoạch, thay vào đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm đưa toàn bộ thông tin quy hoạch lên mạng để đảm bảo tính công khai minh bạch.

Ông Hải còn phản ánh, cán bộ các sở ban ngành rất hay đùn đẩy, thường né tránh việc xử lý hồ sơ bằng cách xin ý kiến cấp lãnh đạo, làm trì hoãn tiến độ phê duyệt, thẩm định dự án.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín trấn an doanh nghiệp: "Những ai từng bị nhũng nhiễu hãy chỉ đích danh cá nhân, cán bộ tiêu cực trong cấp phép, phê duyệt dự án. Thành phố sẽ xử lý nghiêm minh, không bao che ai cả".

Song, ông Tín cũng thừa nhận, gốc rễ của những phiền hà mà doanh nghiệp kêu ca không phải là thủ tục hành chính mà là cán bộ, con người cụ thể. Vì vậy thành phố cần những sự việc cụ thể để xử lý làm gương.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu, soạn thảo luật về việc cơ quan nhà nước phải bồi thường cho doanh nghiệp nếu nhũng nhiễu, gây thiệt hại trong quá trình vận dụng cơ chế chính sách.

Ông Quân nhấn mạnh, 8 thủ tục được rút gọn lại chỉ áp dụng trong phạm vi đầu tư xây dựng khu dân cư, nhà ở, khu đô thị mới chứ không bao hàm tất cả các hoạt động kinh doanh bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng phân tích thêm, các dự án khu dân cư, khu đô thị mang tính xã hội rất cao, là lĩnh vực đụng chạm đến rất nhiều sở ngành: Tài nguyên môi trường, giao thông công chính, kiến trúc, tài chính, thuế... Do đó, sau khi trình Chính phủ xem xét, dự thảo này sẽ còn được rà soát lại nhiều lần để hoàn thiện dần chứ chưa thể áp dụng ngay.