Nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư dài hạn vào VN

14:10, 12/06/2008

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao và nhiều khó khăn khác của nền kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam và cam kết đầu tư lâu dài tại đây.

''Lạm phát có thể sẽ còn cao hơn nữa nhưng tôi tin Việt Nam sẽ vượt qua tất cả,'' Đại sứ của Phái đoàn Ủy ban châu Âu (EC) tại Việt Nam Sean Doyle nói.

Ông Doyle cho rằng lạm phát là do vốn vào nhiều mà chưa được triển khai ngay và nếu cho rằng kinh tế Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn thì nền kinh tế ở những nước cạnh tranh với Việt Nam còn gặp khó khăn hơn nhiều.

Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Philips Healthcare Steve Rusckowski khẳng định cam kết tiếp tục đầu tư ở Việt Nam, ông cho rằng Việt Nam được xếp vào nhóm “thị trường VIP” của Philips tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi được coi là tâm điểm cho sự tăng trưởng doanh thu hai con số của Philips Healthcare trong 5 năm qua.

“Chúng tôi có chiến lược mua lại các công ty trong nước trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế nhằm tiếp cận sâu hơn thị trường này, ” Tổng giám đốc Rusckowski nói và cho biết đây là chiến lược mà Philips Healthcare đã và đang thực hiện tại các thị trường khác như Trung Quốc, Brazil, Mỹ và các nước châu Âu.

Sự vững tin tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam còn được Chủ tịch Morgan Stanley tại Đông Nam Á Greg Terry khẳng định khi nói rằng cho dù các điều kiện kinh tế ngắn hạn có thế nào, “chúng tôi vẫn tin rằng Việt Nam là thị trường quan trọng cho Morgan Stanley”.

Hiện tại Morgan Stanley được đánh giá là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào khu vực tài chính của Việt Nam. Công ty này hiện sở hữu 10% cổ phần tại Công ty Tài chính Dầu khí PVFC và 49% cổ phần tại Công ty Chứng khoán Hướng Việt.

Một động thái khác minh chứng cho sự quan tâm của các nhà đầu tư tới thị trường Việt Nam là một cuộc hội thảo nhằm xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đã được ngân hàng hàng đầu Nhật Bản Mizuho tổ chức đầu tháng này tại Nhật Bản với sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp Nhật.

“Chúng tôi rất vui trước sự hưởng ứng nhiệt tình và sự quan tâm cao của họ đối với việc đầu tư tại Việt Nam,” Giám đốc điều hành Ngân hàng Mizuho Ishikawa nói và cho biết một diễn đàn kết nối kinh doanh Việt-Nhật sẽ được tổ chức cuối năm nay nhằm giúp doanh nghiệp hai nước tìm kiếm đối tác của mình.

Ngay giữa tháng 6 này, đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ do Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Israel Hernandez sẽ sang thăm Việt Nam nhằm tìm hiểu thị trường bán lẻ Việt Nam và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Theo báo cáo thường niên vừa công bố đầu tháng 6 của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu A.T Kearney, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ, Nga và Trung Quốc trở thành thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Không bỏ lỡ thị trường hấp dẫn này, Tham tán Kinh tế và Thương mại Tây Ban Nha tại Việt Nam Isaac Martin Barbero cho biết Tây Ban Nha đã chọn 2008 là năm tăng tốc thương mại và đầu tư của nước này vào Việt Nam.

Đáp lại sự cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam hiện đang nỗ lực thực hiện chính sách bình ổn kinh tế với việc điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 8,5-9% xuống còn 7%, cắt giảm chi tiêu của chính phủ, ngừng các dự án đầu tư công kém hiệu quả, tạm dừng các dự án mới và cho phép áp dụng tỷ giá linh hoạt hơn.

Theo báo cáo vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 9/6, “Gói chính sách bình ổn kinh tế của Việt Nam đã tỏ ra hiệu quả và điều này thể hiện ở việc giá cả các mặt hàng phi lương thực bắt đầu giảm so với những tháng trước và mức tăng nhập khẩu hàng tháng cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.