12,7 tỉ USD đầu tư đường sắt đô thị HN và TP.HCM

09:53, 21/07/2008

Bộ KH&ĐT vừa cho biết, để đầu tư 14 dự án, hạng mục xây dựng đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM theo qui hoạch đến 2020 dự kiến cần tổng nhu cầu vốn 12.741 triệu USD, trong đó vốn ngoài nước chiếm 77% (khoảng 9.840 triệu USD)...

Hiện nay, các tuyến giao thông đường sắt đô thị Hà Nội (chưa bao gồm địa giới Thủ đô mở rộng) được hình thành với 3 tuyến chính và 2 tuyến nhánh, tổng chiều dài khoảng 128km. Riêng tổng vốn dự kiến cho các dự án này tại Hà Nội là 7.262 triệu USD, trong đó vốn vay ODA chiếm khoảng 80% nhu cầu.

Theo Bộ GTVT, đến thời điểm này, 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đã đang được nghiên cứu, triển khai với nhu cầu vốn 5.472 triệu USD, gồm: tuyến trên cao Ngọc Hồi - Yên Viên (1.725 triệu USD); tuyến Từ Liêm/Nam Thăng Long - Thượng Đình (1.910 triệu USD); tuyến Nhổn - ga Hà Nội (767 triệu USD); tuyến Hà Nội - Hà Đông (470 triệu USD) và tuyến Daewoo - Láng - Hòa Lạc (600 triệu USD).

Trong các dự án trên, mới chỉ có đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là khởi công hạng mục đầu tiên vào năm 2006.

Tại TP.HCM, giao thông đường sắt đô thị được qui hoạch thành 2 hệ thống: tàu điện ngầm với 6 tuyến (chiều dài khoảng 92km) và xe điện trên mặt đất hoặc monoray. Quá trình triển khai vừa qua, TP.HCM đã đề xuất một số nội dung điều chỉnh liên quan đến đường sắt quốc gia đoạn đi qua thành phố và đã được Thủ tướng Chính phủ giao phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu. Bên cạnh đó, TP này cũng đề nghị điều chỉnh chi tiết 1 trong 6 tuyến đường sắt đô thị thuộc hệ thống metro (tách tuyến 3 thành 3a và 3b).

Tổng nhu cầu vốn dự kiến đầu tư cho các dự án tại TP.HCM đến 2020 khoảng 5.479 triệu USD, trong đó vốn vay ODA cũng chiếm khoảng 80% nhu cầu.

Hiện, có 4 dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM đang được nghiên cứu, triển khai với nhu cầu 4.259 triệu USD, gồm: tuyến Bến Thành - Suối Tiên (1.091 triệu USD); tuyến metro số 2 (1.250 triệu USD); tuyến metro số 3a (880 triệu USD) và tuyến metro số 4 (1.038 triệu USD).

Cũng theo Bộ KH&ĐT, các dự án giao thông đô thị thường có mức đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện dài, hiệu quả kinh tế - xã hội là chủ yếu... nên chưa thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia. Hầu hết các dự án đã được nghiên cứu đều sử dụng vốn vay ODA song phương hoặc hy vọng kết hợp giữa ODA và các nguồn khác kém ưu đãi hơn như OCR của ADB. Nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB còn rất hạn chế.

Cụ thể, với tổng nhu cầu vốn 12.741 triệu USD để đầu tư đường sắt đô thị tại 2 thành phố lớn (kể trên), vốn ngoài nước khoảng 9.840 triệu USD song hiện tại mức vốn ODA đã có hiệp định vay hoặc cam kết khả thi từ phía nhà tài trợ mới khoảng 4.752 triệu USD (đạt 48,3% nhu cầu huy động).

Bộ này cho biết dự định thời gian tới sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan huy động nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn vay phù hợp khác theo kế hoạch cho các dự án kể trên theo nguyên tắc đảm bảo cân đối vĩ mô các nguồn lực đầu tư phát triển.