Ngày 4-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã ký văn bản số 86/BC-UBND báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam. Cùng với những việc đã làm được, báo cáo cũng chỉ ra những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2008, TP sẽ ban hành quyết định sửa đổi về quy trình giải quyết một số thủ tục hành chính trong quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn; sửa đổi quy định về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Đặc biệt, TP đang khẩn trương hoàn chỉnh để có thể sớm ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước thành lập, phát triển 7-10 trường cao đẳng dạy nghề trình độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế của Thủ đô; xây dựng Quy chế khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Bên cạnh đó, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về kiểm tra công tác giải quyết thủ tục hành chính nhằm tăng cường giám sát và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư, qua đó nâng cao hiệu quả công tác chống tham nhũng, tiêu cực…
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Phí Thái Bình cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg gồm: vướng mắc trong thi hành Luật DN, Luật Đầu tư; vướng mắc do chồng chéo hoặc chưa thống nhất giữa các nội dung quy định của Luật DN, Luật Đầu tư với các luật khác. Trong một số trường hợp có thể tạo nên sự bất bình đẳng, không phù hợp với nguyên tắc đối xử quốc gia trong cam kết WTO dành cho ĐTNN do quy định pháp luật hiện chưa đầy đủ, cộng với cách hiểu, vận dụng pháp luật khác nhau (nhất là trong lựa chọn chủ đầu tư thực hiện quy hoạch hoặc lập, thực hiện dự án).
Để khắc phục vấn đề này, UBND TP kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với tổ công tác thi hành Luật DN, Luật Đầu tư và các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, hoàn chỉnh những nội dung liên quan đến giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh nhằm đơn giản hóa, thống nhất thủ tục hành chính để tiện cho công tác quản lý; rà soát các quy định có liên quan đến đầu tư, khắc phục sự chồng chéo, bất cập để hợp lý hóa, đơn giản hóa thủ tục, thực sự tạo thuận lợi và giảm chi phí cho nhà đầu tư, DN…