Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực triển khai ba nhóm giải pháp để giải ngân được trên 2 tỷ USD vốn trong năm nay.
Việc kiện toàn tổ chức đầu mối quản lý và sử dụng vốn ở các cấp cũng được xúc tiến cùng với việc triển khai đào tạo trên diện rộng để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý dự án ODA. Bên cạnh đó, cách thức hoạt động của Nhóm quan hệ đối tác về hiệu quả viện trợ (PGAE) sẽ được đổi mới để tăng cường quan hệ đối tác trong nước với các nhà tài trợ.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, giải ngân ODA năm nay có những cải thiện nhất định so với các năm trước, trong đó các dự án ngành điện, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn có mức giải ngân tương đối cao.
Với những nỗ lực đồng bộ của các cơ quan chính phủ, địa phương và nhà tài trợ, lượng vốn ODA giải ngân trong nửa đầu năm đã đạt 1,1 tỷ USD, bằng 58% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận con số này ở một số dự án trong lĩnh vực phát triển đô thị, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng chưa đạt mức đề ra.
Về lượng vốn ký kết, theo số liệu của Vụ Kinh tế Đối ngoại thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư, đã có gần 1,3 tỷ USD được ký kết trong 6 tháng đầu năm; trong đó vốn vay trên 1,2 tỷ USD, còn lại là vốn viện trợ không hoàn lại.
Các dự án ODA thời gian này tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng với trên 22%, tiếp đến là Đông Nam Bộ gần 21%, Bắc Trung Bộ khoảng 16% và Đồng bằng Cửu Long trên 13%.
Lượng ODA được ký kết trong những tháng còn lại của năm nay dự kiến đạt khoảng 1,83 tỷ USD; trong đó vốn vay gần 1,3 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại gần 530 triệu USD.
Những chương trình, dự án dự kiến được ký trong thời gian này là Kế hoạch chung hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc 405 triệu USD, xây dựng đường cao tốc tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây 410 triệu USD, đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông 159 triệu USD, Dự án quản lý và điều hành công ty 200 triệu USD.