Nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nước ngoài

17:21, 22/07/2008

Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên vừa có văn bản yêu cầu tập đoàn Intra (Nhật Bản) đến ngày 30/7 tới phải giải quyết xong những vướng mắc về giải phóng mặt bằng của dự án phát triển hồ điều hòa Xương Rồng và khu đô thị mới tại địa phương.

Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Đức Minh quả quyết rằng tỉnh sẽ ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án này, nếu Intra không thực hiện đúng những yêu cầu trên.

Dự án phát triển hồ điều hòa Xương Rồng và khu đô thị mới tại Thái Nguyên do Công ty TNHH Intra Việt Nam (thuộc tập đoàn Intra Nhật Bản) đầu tư xây dựng với tổng vốn 100 triệu USD, được khởi công từ tháng 8/2007.

Tuy nhiên, do phía nhà đầu tư gặp khó khăn về vốn nên đến thời điểm này dự án vẫn gần như “dẫm chân tại chỗ”. Số tiền giải ngân cho giải phóng mặt bằng mới đạt khoảng 5 tỷ đồng.

Đây chỉ là một trong nhiều dự án hiện đang bị ách tắc ở khâu giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ thực hiện.

Thực tế này đang cho thấy những khó khăn nảy sinh trong quá trình triển khai dự án không hẳn do sự phối hợp chưa đồng bộ của địa phương, mà còn phụ thuộc nhiều vào năng lực của nhà đầu tư và những lý do khác nữa.

Kết quả khảo sát hồi đầu năm của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương về nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện vốn đầu tư ở 140 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho thấy, có 20% doanh nghiệp cho là do phía Việt Nam thay đổi chính sách, 17% cho là khó khăn về giải quyết thủ tục đầu tư, 15% cho là do những thay đổi trong chiến lược kinh doanh của công ty mẹ và 17% cho là do môi trường đầu tư không thuận lợi như dự đoán ban đầu.

Bên cạnh đó, sự tăng nhanh của dòng vốn FDI thời gian gần đây với hàng loạt dự án quy mô vốn hàng tỷ USD, cũng đang tạo sức ép lớn về vấn đề hạ tầng cơ sở, khiến nhiều yêu cầu của nhà đầu tư không được đáp ứng kịp thời.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cho rằng, với những yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật ngày càng cao như hiện nay và những tồn tại lâu nay của môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, thì mong muốn tạo nên bước đột phá về giải ngân là không đơn giản.

Sáu tháng đầu năm, lượng vốn FDI thực hiện đạt 5 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Kế hoạch Đầu tư đang phấn đấu nâng con số này lên 10 tỷ USD cho cả năm, tăng 25% so với năm ngoái.

Trong nỗ lực này, Bộ dự kiến sẽ tổ chức cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ với các nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 9 này nhằm giúp cơ quan chức năng và các địa phương nắm bắt, giải quyết kịp thời các yêu cầu, đề xuất của nhà đầu tư.

Bộ cũng đang tích cực xây dựng đề án về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI, trong đó giải pháp cơ bản là rà soát thực trạng của các dự án trên từng địa bàn để phân loại và có chính sách hỗ trợ phù hợp, ưu tiên các dự án trọng điểm và có tác động lớn đến địa phương.