Ngành công nghiệp thép Việt Nam là một trong những ngành được đặc biệt chú ý đầu tư với nhiều dự án Liên hợp luyện thép lớn chưa từng có trong khu vực Đông Nam Á, cả về qui mô công suất và tổng vốn đầu tư.
Nhiều dự án thép đã được đầu tư
Nhưng trên thực tế, tính đến nay đã có một số dự án liên hợp đầu tư vào ngành thép được công bố như Nhà máy Liên hợp thép Tycoon- E.United ở Dung Quất (Quảng Ngãi) được cấp giấy phép đầu tư năm 2006. Ban đầu là Liên doanh giữa Tycoon (Đài Loan) và Jinnan (Trung Quốc), với công suất 5 triệu tấn/năm và tổng vốn đầu tư công bố hơn 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau một thời gian, Công ty Jinnan (Trung Quốc) đã rút khỏi dự án và thay vào đó là công ty E-United (Đài Loan) với 90% vốn, chỉ còn lại 10% của Tycoon, trở thành Liên hợp 100% vốn Đài Loan và đã đưa tổng mức đầu tư cho Liên hợp lên trên 3 tỷ USD. Dự án này đã được khởi công vào tháng 10/2007 với công suất giai đoạn 1 là 3 triệu tấn/năm bao gồm: 0,5 triệu tấn/năm phôi vuông, 2,5 triệu tấn/năm cuộn cán nóng.
Lớn hơn nữa là Nhà máy Liên hợp thép Formosa - Sunco ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) cũng đã được cấp giấy phép đầu tư ngày 11/6/2008 và chính thức khởi công trên diện tích 3.035ha vào ngày 6/7/2008. Đây là nhà máy liên hợp thép 100% vốn của Đài Loan do 2 đối tác là Tập đoàn Formosa chuyên sản xuất hoá dầu, Plastic (95% vốn) và công ty SunSo (5% vốn). Công suất dự kiến của Liên hiệp là 15 triệu tấn/năm.
Công suất của giai đoạn 1 là 7,5 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư là 7,8 tỷ USD, sản phẩm chủ yếu bao gồm phôi thép vuông 1,50 triệu tấn/năm, phôi thép dẹt 2,25 triệu tấn/năm, cuộn cán nóng 2 triệu tấn/năm, tấm cán nóng 0,25 triệu tấn/năm, dải cán nóng 1,05 triệu tấn/năm...
Bước sang giai đoạn 2, các nhà đầu tư Đài Loan dự kiến nâng công suất Liên hợp lên gấp 2 (là 15 triệu tấn/năm ) và sẽ xây dựng nhà máy điện để tự cung cấp điện cho Khu liên hợp.
Ngoài những Liên hợp đã được cấp phép đầu tư và đang trong quá trình thi công, thì một số dự án khác cũng đang chờ được cấp giấy phép đầu tư như Dự án Liên hợp thép Liên doanh giữa VnSteel (Tổng công ty Thép Việt Nam) và Tập đoàn TaTa (Ấn Độ) dựa trên nguyên liệu quặng sắt mỏ Thạch Khê với công suất dự kiến 4,5 - 5 triệu tấn thép/năm.
Tiếp theo là Liên hợp thép liên doanh giữa Tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc) và Vinashin (Việt Nam) dự kiến đặt ở vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà) với công suất giai đoạn 1 là 4 triệu tấn/năm với sản phẩm là thép tấm và cuộn cán nóng (HRC).
Tuy nhiên, tháng 6/2008, Vinashin đã rút khỏi dự án vì lý do tập trung vốn cho các dự án trọng điểm khác, nên dự án trên sẽ là 100% vốn của Posco (Hàn Quốc). Đầu tháng 6/2008, bản dự án của Posco đã được đệ trình lên Chính phủ Việt Nam chờ giấy phép đầu tư.
Tiếp đến là Liên hợp thép liên doanh giữa Tập đoàn Lion Group (Malaysia) và Vinashin được đặt tại tỉnh Ninh Thuận, công suất dự kiến 4,5 triệu tấn/năm, bao gồm: Nhà máy thiêu kết 5,5 triệu tấn/năm, Nhà máy quặng vê viên 1,2 triệu tấn/năm, Nhà máy luyện than cốc 1,2 triệu tấn/năm, 02 lò cao 2580 m3, Lò thổi oxy 220 tấn/mẻ. Liên hợp sẽ sản xuất 4,8 triệu tấn thép thô/năm và sản phẩm cuộn cán nóng (HRC) 4,5 triệu tấn/năm.
Đầu tư và chọn lọc?
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho rằng, nếu như các dự án nhà máy liên hợp luyện kim lớn nêu trên trở thành hiện thực thì sau 5 hay 7 năm nữa, ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ có bước tiến vượt bậc đáng kinh ngạc, với tổng công suất vài chục triệu tấn/năm.
Nhưng, điều này sẽ hơi khó, vì các nhà đầu tư buộc phải cân nhắc đến nhu cầu thực tế của thị trường Việt Nam và thị trường các nước khu vực trong tương lai để quyết định đầu tư. Có lẽ với thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực, việc có thêm 2 nhà máy liên hợp công suất 5 - 10 triệu tấn/năm trong 5 năm tới là thích hợp.
Tuy nhiên, trong 5 dự án lớn nêu trên chỉ có 1 dự án có vai trò của Việt Nam là dự án của VnSteel và TATA, nhưng cũng đang có khó khăn về sở hữu quặng mỏ Thạch Khê, còn lại là các liên hợp 100% vốn của nước ngoài.
Điều này có thể làm cho Việt Nam ít bị rủi ro khi phải đầu tư vào ngành thép là ngành cần lượng vốn rất lớn, xây dựng lâu và ít lãi so với ngành khác, nhưng với một ngành quan trọng mà sản phẩm có liên quan đến hầu hết các ngành kinh tế và quốc phòng của đất nước, thì toàn bộ liên hợp là vốn FDI của nước ngoài, sẽ làm cho vai trò của nước chủ nhà là Việt Nam trong ngành công nghiệp quan trọng này sẽ không có.
Theo một quan chức nhà nước, việc để toàn bộ liên hợp là 100% vốn nước ngoài thì Việt Nam chỉ có thể theo dõi sự thực hiện dự án ở hai lĩnh vực: công nghệ và đánh giá tác động môi trường. Nhưng ở cả hai lĩnh vực này, nếu Việt Nam không trực tiếp tham gia dự án, thì bằng những thông tin nêu trong dự án, hoàn toàn không có đủ cơ sở để giám sát...
Qua theo dõi dự án Tycoon ở Dung Quất hoặc dự án thép không gỉ ở Bình Dương, việc chấp nhận đối tác có phần dễ dãi, dẫn đến dự án kéo dài không thực hiện được, vì đối tác không có khả năng tài chính và công nghệ, và điều này khó có thể khẳng định sẽ không xảy ra đối với những dự án lớn trong tương lai.
Hầu hết các dự án lớn sẽ chia ra nhiều giai đoạn, thời gian thực hiện 5, 7 năm nên nếu không có những ràng buộc chặt chẽ, sẽ có đối tác chỉ thực hiện một giai đoạn đầu, chiếm một diện tích rất lớn trong nhiều năm mà không thực hiện, cản trở việc thực thi của các dự án khác hoặc kéo dài thời gian thực hiện dự án.