Lạm phát giảm, đầu tư nước ngoài tăng kỷ lục

08:13, 05/08/2008

So với tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 1,13%, mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Trong hai ngày 4 và 5-8, tại phiên họp thường kỳ tháng 8, Chính phủ đã thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2008 cùng các giải pháp thực hiện nhiệm vụ những tháng còn lại trong năm.

Nhập siêu giảm mạnh

So với tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 1,13%, mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay. Trong đó, Hà Nội tăng 1,65%, TPHCM tăng 0,54%, địa phương có chỉ số giá tăng cao nhất là Đà Nẵng với 2,46%.

Theo Bộ Công Thương, tín hiệu đáng mừng là nhập siêu đã giảm mạnh trong tháng 6 và 7. Trong tháng 6, cả nước nhập siêu khoảng 728 triệu USD và tháng 7 khoảng 800 triệu USD, giảm mạnh so với con số nhập siêu 3,2 tỉ USD và 1,9 tỉ USD của các tháng 4 và 5.

Mặc dù ảnh hưởng mạnh của tình hình kinh tế thế giới, nhưng 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 36,88 tỉ USD, tăng tới 37,7% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng trưởng cao nhất so với 7 tháng của các năm trước. Xuất khẩu tháng 7 tiếp tục tăng trưởng mạnh, do được thuận lợi về giá. Mặt khác, nhóm hàng chế biến, công nghiệp và thủ công mỹ nghệ tăng đáng kể về lượng. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10,1 tỉ USD so với cùng kỳ 2007, trong đó tăng do giá chiếm khoảng 75%, tăng do lượng chỉ khoảng 25%. Tỉ lệ xuất khẩu hàng sơ chế và khoáng sản cũng đã giảm. Bộ KH-ĐT tiếp tục dự báo khó khăn lớn nhất hiện nay trong sản xuất công nghiệp vẫn là giá nguyên liệu nhập khẩu, xăng dầu mới tăng thêm 30%; thiếu vốn, lãi suất vay ngân hàng tăng cao (trên 20%/năm); tình trạng cắt điện thường xuyên.

Tại cuộc họp báo tối qua, 5-8, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về trách nhiệm trong công tác dự báo tình hình giá thế giới, trữ lượng lúa trong nước dẫn đến việc tham mưu cho Chính phủ chủ trương hạn chế xuất khẩu gạo mà có thông tin cho rằng đã làm người nông dân thiệt hại 500 triệu USD, giá trị xuất khẩu chỉ đủ nhập khẩu phân bón, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Tính đến tháng 7, cả nước xuất khẩu 2,7 triệu tấn gạo trị giá 1,8 tỉ USD. Lượng phân bón nhập khẩu trị giá 1,1 tỉ USD. Phân bón nhập khẩu ngoài phục vụ canh tác lúa còn phục vụ các cây trồng khác như cà phê, ca cao... Có lúc giá gạo lên tới 1.200 USD/tấn (thị trường trong nước cũng tới 20.000 đồng/kg) trong ít ngày. Tuy nhiên, theo ông Biên thì “đây là giá trị ảo”, không thể lấy để so sánh mà tính thiệt hại mấy trăm triệu USD. Hơn nữa, hiện giá gạo xuống thấp còn do giá gạo vụ hè thu bao giờ cũng thấp hơn vụ đông xuân. Các bộ liên quan đang xem xét việc tăng thu mua cho nông dân, tăng xuất khẩu.

21,45 tỉ USD đầu tư công nghiệp dịch vụ

Một tín hiệu tích cực khác của nền kinh tế là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 7 tháng qua đạt 45,2 tỉ USD, tăng tới 373% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng kỷ lục. Vốn cấp mới tăng khá do có nhiều dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư. Vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ với 22,84 tỉ USD, 21,45 tỉ USD đầu tư vào công nghiệp dịch vụ. “Dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng. Mặc dù có nhà đầu tư rút vốn nhưng tổng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục tăng 700 triệu USD – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản nói – Điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với những nỗ lực của cả nước và tín hiệu tốt của nền kinh tế”.

Chủ trì cuộc họp báo tối qua, 5-8, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận: Nhiệm vụ trong những tháng còn lại vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phấn đấu tăng trưởng ở mức cao nhất. Để đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7% cả năm 2008, phải thực hiện quyết liệt 8 nhóm giải pháp đã đề ra.