180 triệu USD cho dự án ứng phó với biến đổi khí hậu

16:35, 01/12/2009

Trong cuộc họp báo sáng nay (1/12), Đại sứ Đức tại Việt Nam – ông Rolf Schulze đã thông báo cấp cho Việt Nam một khoản vay ưu đãi lớn trị giá 120 triệu euro (tương đương với 180 triệu USD) để thực hiện chương trình bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng hiệu quả năng lượng tại các vùng nông thôn.

 

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam thừa nhận, biến đổi khí hậu là một thách thức to lớn và đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu vào năm 2008. Trong một nỗ lực để tạo ra một nền kinh tế cácbon thấp, việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng được xem là một phần của chiến lược giảm nhẹ sự nóng lên toàn cầu.

 

Hiện nay có rất nhiều lưới điện nông thôn đang bị xuống cấp nghiêm trọng, làm tổn thất khoảng đến 30% điện năng và không đảm bảo được các tiêu chuẩn về kỹ thuật. Trước thực tế này, Chính phủ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp quản toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn do các địa phương tổ chức quản lý nhằm nâng cấp lưới điện, cung cấp dịch vụ điện tốt hơn cho người dâ ở vùng nông thôn và đặc biệt phải giảm thiểu được khí thải CO2 do tổn thất điện năng và lưới điện kém hiệu quả gây ra.

 

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, hợp tác phát triển Việt Nam-CHLB Đức đã và đang có những hoạt động rất tích cực. Là đối tác lâu dài trong lĩnh vực bảo vệ mội trường và trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Chính phủ CHLB Đức đã diành cho Chính phủ Việt Nam một khoản vay ưu đãi lên tới 180 triệu USD. Khoản tín dụng này được thực hiện thông qua Ngân hàng tái thiết Đức KfW nhằm hỗ trợ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát triển chương trình Năng lượng hiệu quả tại khu vực nông thôn với mục đích tổng thể: cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện nông thôn sau tiếp nhận; giảm tổn thất điện năng trên lưới điện cũ nát; tăng cường chất lượng điện năng và tiêu chuẩn an toàn điện; công bằng cho khách hàng nông thôn và thành thị về giá điện và chất lượng dịch vụ.

 

Chương trình này dự kiến được thực hiện ở khoảng 2.000 xã với khoảng 2,9 triệu hộ dân dùng điện trên địa bàn khoảng 45 tỉnh tại các khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Mục tiêu sau khi nâng cấp cải tạo sẽ giảm tốn thất điện năn gtừ 30% xuống còn 155 và tiết kiệm chung cho nền kinh tế ước tính khoảng 400 triệu kWh/năm tương đương từ 350-400 tỷ đồng /năng.

 

Đại sứ Schulze hôm qua (30/11) đã thông báo với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam Võ Hồng Phúc về khoản cam kết tài trợ mới này. Bộ trưởng Phúc đã phát biểu rằng đây là món quà Giáng sinh tuyệt vời mà chính phủ Đức dành cho Việt Nam.

 

Theo ông Schulze, trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang khiến nhiều nước phải xem xét kế hoạch cắt giảm hoặc bỏ hẳn những khoản viện trợ phát triển dành cho Việt Nam nhưng Đức vẫn cam kết sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam bởi Việt Nam là một đối tác đáng tín cậy của Đức.

 

Ba trọng tâm hợp tác phát triển song phương Việt-Đức năm 2009

 

Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xã hội, bền vững và cân đối, một nền kinh tế nhằm cải thiện điều kiện sống, tăng nguồn thu nhập và mang lại cơ hội việc làm tốt hơn cho mọi người dân. Kể từ năm 1990, CHLB Đức đã hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực Hợp tác Phát triển song phương khoảng 1 tỉ euro. Năm nay, hợp tác giữa Việt Nam và Đức tập trung vào ba trọng tâm là phát triển kinh tế bền vững; chính sách môi trường, bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và Y tế

 

Về phát triển kinh tế bền vững, Đức đã hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các cải cách về kinh tế. Đức đã hỗ trợ Việt Nam trong việc sửa đổi các điều luật cơ bản và hệ thống tổ chức đồng thời hỗ trợ việc nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ chủ chốt. Ngoài ra, để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và cân đối và xã hộ thì yếu tố cán bộ nhân viên có trình độ tay nghề cao đóng một vai trò rất quan trọng. Vì vậy, Đức giúp đỡ Việt Nam thực hiện một Chương trình Đào tạo dạy nghề với 11 trường dạy nghề thí điểm được trang bị các trang thiết bị thực hành, các tài liệu giảng dạy.

 

Bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một trong những nội dung chính, quan trọng trong chương trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đức. Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng kéo theo vấn đề ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng. Để giúp Việt Nam khắc phục thách thức lớn này, Đức đã hỗ trợ Việt Nam trong một số chương trình trọng điểm bảo vệ môi trường như cải thiện hệ thống xử lý nước thải và rác thải công nghiệp và cộng đồng. Đức và Việt Nam còn hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và quản lý vườn quốc gia. Cộng đồng dân cư tại các vùng dự án được học cách khai tài nguyên rừng mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng và hệ thống sinh thái.

 

Về y tế, Đức đã giúp Việt Nam đáp ứng tốt hơn nữa các nhu cầu y tế cơ bản tại một số tỉnh trong vùng dự án. Tầng lớp dân cư nghèo, chịu thiệt thòi tại các tỉnh này được tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ y tế cơ bản. Các bệnh viện và trạm y tế được trang bị các máy móc, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y tế tại cấp tỉnh và trung ương được nâng cao nghiệp vụ.