Năm 2010 sẽ thu hút 25 tỷ USD vốn FDI

10:03, 19/01/2010

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) dự kiến năm 2010 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng nhẹ 10% so với năm ngoái trong đó vốn đăng ký khoảng 22-25 tỉ USD, vốn thực hiện 11 tỉ USD.

 

Thông tin trên đã được ông Nguyễn Xuân Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đưa ra sáng 18/1 tại buổi họp báo công bố doanh nghiệp FDI đạt giải thưởng Rồng Vàng năm 2009.

 

Theo ông Trung, năm 2009 là năm nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam phải đương đầu với hàng loạt khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thu hút nguồn vốn FDI đạt trên 21 tỉ USD và giải ngân khoảng 10 tỉ USD. Vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 40% tổng nguồn vốn huy động phát triển kinh tế. Giá trị công nghiệp khu vực FDI tăng 8,1% so với năm 2008, cao hơn mức tăng trung bình 7,6% của cả nước. Cũng trong năm qua, cả nước nhập siêu trên 12 tỉ USD, nhưng khu vực FDI có xuất siêu trên 5 tỉ USD nếu tính cả dầu khí. Đóng góp GDP của khu vực này vào khoảng 30% trong khi trước đó chỉ trên 10%.

 

Với chủ trương chung đối với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2010 là tiếp tục thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã cam kết; định hướng thu hút vào các vùng một cách hợp lý, vào các lĩnh vực ưu tiên với trọng tâm là thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh.

 

Căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-7% năm 2010, huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 39,6% GDP, cơ quan này đã đề ra mục tiêu thu hút vốn FDI năm 2010 (bao gồm cả tăng vốn mở rộng sản xuất) tăng 10% so với ước thực hiện 2009, đạt từ 22-25 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới dự kiến khoảng 19 tỷ USD; vốn tăng thêm khoảng 3 tỷ USD.

 

Ông Trung cho biết, hiện tại, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào VN gặp rất nhiều khó khăn do môi trường đầu tư chưa hấp dẫn, cơ sở hạ tầng yếu kém…Vì vậy, Bộ Kế hoạch -Đầu tư đã trình Chính phủ các biện pháp tăng cường thu hút vốn trong đó bao gồm rất nhiều các nhóm giải pháp về luật pháp, chính sách, quy hoạch, cải thiện cơ sở hạ tầng…

 

Đặc biệt, để tháo gỡ một phần khó khăn, Chính phủ đã quyết định trích ngân sách để thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư. Việc làm này hết sức có ý nghĩa đối với việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam- một nguồn vốn quan trọng, không thể thiếu đối với quá trình phát triển kinh tế Việt Nam.