Tính từ năm 2000 đến cuối năm 2009, có khoảng 200 doanh nghiệp mang quốc tịch Việt Nam đã thành lập Công ty, chi nhánh công ty,văn phòng đại diện, cửa hàng tại Campuchia để trực tiếp phân phối hàng đến tận tay người tiêu dùng nước này.
Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia cho biết, Hội sẽ gắn kết các doanh nghiệp trên lại với nhau đồng thời sẽ hỗ trợ tìm đối tác để các doanh nghiệp đầu tư thành công tại Vương quốc Campuchia.
Hiện nay, có thể thấy các hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp của hai nước Việt Nam – Campuchia đang diễn ra sôi động, đa dạng, phong phú theo các hình thức buôn bán chính ngạch, tiểu ngạch, chuyển khẩu,vận tải cảnh và quá cảnh ..v.v…Số lượng và giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, trung bình khoảng gần 40 %/năm.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư vào Campuchia ở nhiều lĩnh vực và nổi bật một số lĩnh vực như: ngân hàng, viễn thông, dầu khí, khoáng sản, cao su. Đây cũng chính là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng công nghiệp tiêu dùng của Việt Nam là vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch, men, sơn…), thiết bị nội thất, sản phẩm nhựa, dây điện và dây cáp điện, máy biến thế và động cơ điện, săm lốp ô tô xe máy, và cơ khí nhỏ, hóa mỹ phẩm và chất tẩy rửa.v.v..
Những mặt hàng này có khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đáp ứng và hàng của Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường Campuchia. Nhìn chung, đầu tư của Việt Nam vào Campuchia ngày càng sôi động với tiềm năng cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Chính phủ Việt Nam và Campuchia rất quan tâm ủng hộ các doanh nghiệp hai nước hợp tác để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Ngày 26/12/2009, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Hội đồng Phát triển Campuchia tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Campuchia. Một số tỉnh biên giới đã thành lập được các trung tâm xúc tiến thương mại, hỗ trợ được các doanh nghiệp, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại của mình. Các cơ quan quản lý đã phần nào hạn chế được hoạt động gian lận thương mại và buôn lậu qua biên giới Việt Nam – Campuchia. Bên cạnh đó, một phần cũng do Chính Phủ Campuchia đang triển khai thực hiện cơ chế thị trường tự do, tư nhân hóa nền kinh tế, vì vậy các doanh nghiệp nước ngoài có thể thành lập 100 % vốn nước ngoài để hoạt động, kinh doanh như là Công ty của Campuchia.
Có khoảng 200 doanh nghiệp mang quốc tịch Việt Nam đã thành lập Công ty, chi nhánh công ty, văn phòng đại diện tại Campuchia, trong đó có 149 Công ty, 30 Chi nhánh và 21 Văn phòng đại diện Công ty Việt Nam tại Campuchia .
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, phát triển tại thị trường Campuchia thì trong những năm tới, thị trường này sẽ tạo ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Hiện nay, nền kinh tế Campuchia đã và đang hòa nhập vào kinh tế khu vực và thế giới với tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt được thể hiện thông qua tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 2 con số từ năm 2004-2009. Nhu cầu nhập khẩu của Capuchia sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, do vậy thị trường này còn rất rộng mở, là cơ hội cho các nước trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, song hành cùng những lợi thế đó, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn và một trong những khó khăn thấy rõ nhất là sẽ chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ doanh nghiệp của các nước khác đặc biệt là từ Thái Lan và Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore.
Các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư tại Capuchia hiện đang liên kết chặt chẽ lại với nhau để tạo thành sức mạnh nhằm giữ vững, mở rộng quy mô kinh doanh và tăng thị phần tại thị trường này.