Triển vọng từ một dự án

08:47, 09/02/2010

Một trong những giải pháp nhằm tăng tỷ trọng GDP, phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.  

 

Trong những năm qua, tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm quảng bá hình ảnh Thái Nguyên tới các doanh nghiệp, cũng như ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Cùng với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh, Công ty Shinwon (Hàn Quốc) đã quyết định xây dựng Nhà máy May xuất khẩu tại phường Cải Đan, thị xã Sông Công.

 

Có mặt tại công trường xây dựng Nhà máy may Shinwon ở phường Cải Đan, thị xã Sông Công vào những ngày áp Tết Nguyên đán, chúng tôi bắt gặp cảnh lãnh đạo Công ty và Nhà máy đang tập trung chỉ đạo đơn vị thi công xây dựng đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Thái Nguyên vì sao Công ty quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy May tại Thái Nguyên, ngài KIM, JUNG PYO, Phó Tổng Giám đốc Công ty Shinwon cho biết: “Về vị trí địa lý Thái Nguyên rất gần với Hà Nội, thuận tiện về giao thông. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh cũng còn ít. Theo tính toán của chúng tôi chỉ 2-3 năm nữa Thái Nguyên sẽ rất phát triển, đó chính là lý do để chúng tôi quyết định đầu tư vào Thái Nguyên”.

 

Được biết, dự án xây dựng Nhà máy may Shinwon được UBND tỉnh phê duyệt ngày 24/9/2009, với diện tích thu hồi là 8 ha, có 88 hộ dân thuộc diện thu hồi đất với tổng số tiền đền bù thu hồi đất là trên 24 tỷ đồng. Đây là dự án thí điểm triển khai Nghị định số 69 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư. Khi triển khai công tác này tỉnh chưa có hướng dẫn do đó có nhiều thắc mắc của các hộ thuộc diện giải tỏa xung quanh giá chi trả đền bù, mức hỗ trợ giải phóng mặt bằng... Nhưng để thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư về thời gian bàn giao mặt bằng, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với thị xã Sông Công, các sở, ngành và có sự chỉ đạo kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đối với những hộ thuộc diện hỗ trợ theo Nghị định 69 có đủ điều kiện được cấp hỗ trợ một ô đất chuyển đổi nghề nghiệp. Đối với những hộ mất diện tích từ 2.400 m2 đến 5.300m2 sẽ được cấp 01 ô đất, số còn lại sẽ được đền bù bằng tiền... Với sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, đến nay mặt bằng Dự án đã được bàn giao cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư đang gấp rút để dự án hoàn thành và đi vào sản xuất từ tháng 6/2010.

 

Theo báo cáo của Nhà đầu tư, tổng nguồn vốn xây dựng Nhà máy may Shinwon tại thị xã Sông Công là 20 triệu USD, gồm 80 dây chuyền may. Hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy tạo công ăn việc làm cho hơn 6 nghìn lao động. Hiện Công ty Shinwon đã có nhà máy may ở các nước như Trung Quốc, Indonesia, Guatemala, Bắc Triều Tiên. Tại Việt Nam, năm 2003, Công ty đã đầu tư 1 nhà máy may tại tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nhà máy may thứ hai của Công ty tại Việt Nam. Mặt hàng may của Công ty 100% xuất khẩu sang Mỹ. Thời gian này, Nhà máy đang thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh để tuyển dụng quản lý nhân sự, kế toán, quản lý xuất nhập khẩu, quản lý doanh nghiệp, quản lý ký túc xá, nhân viên phụ trách cắt may...

 

Về các chính sách đối với công nhân, theo ngài EOM SEONG CHEOL, Giám đốc Nhà máy Shinwon Sông Công khẳng định: “Sau khi tuyển dụng, Nhà máy sẽ trực tiếp đào tạo công nhân. Về quỹ phúc lợi, y tế, xã hội, bảo  hiểm thất nghiệp, tiêu chuẩn lương...áp dụng theo đúng các quy định của công ty đầu tư nước ngoài. Trong năm 2010, Nhà máy sẽ phối hợp cùng địa phương xây dựng quỹ học bổng để tặng cho học sinh nghèo học giỏi...”

 

Hiện nay, Nhà máy may Shinwon đang được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tháng 5/2010, nhân viên của khâu sản xuất bắt đầu làm việc. Với cam kết của nhà đầu tư, tin tưởng khi Nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.